3/4 quy định mới khác với Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện là để “chạy đua” với thời gian, với dịch bệnh nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát được đại dịch COVID-19 đang bùng lên ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Ngay sau cuộc họp khẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều tối 6/8, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, 3/4 quy định mới khác với Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện là để “chạy đua” với thời gian, với dịch bệnh nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát được đại dịch COVID-19 đang bùng lên ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Cụ thể, ngoài việc cho phép ngân sách nhà nước chi trả chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố được quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và quyết định này đồng thời là giấy phép hoạt động (không cần phải có thủ tục cấp phép hoạt động cho bệnh viện dã chiến). Như vậy, chỉ sau khoảng 15 đến 20 ngày xây dựng gấp rút, một bệnh viện dã chiến đã có thể đi vào hoạt động ngay lập tức để điều trị các ca bệnh COVID-19 mà không cần phải thực hiện thêm các thủ tục hành chính, mất thêm thời gian chờ đợi cho thủ tục này như quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với việc Chính phủ được quyền giao Bộ Y tế quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư nằm trong nhóm những hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng thông tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Điều này là khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song, trong giai đoạn cấp thiết hiện nay, quy định trên là cần thiết để bảo đảm phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội,
Để các biện pháp chống dịch được triển khai nhanh hơn ngoài thực tiễn, mỗi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phải nỗ lực hết mình khi trực tiếp nhận, đọc tài liệu của Chính phủ từ tối ngày 5/8 để chiều muộn ngày 6/8 cùng tham dự, góp ý kiến tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - người phụ trách trực tiếp hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, đã họp liên tục với các Ủy ban liên quan trong khoảng thời gian này để xem xét các đề nghị của Chính phủ, đồng thời đưa ra những góp ý để Chính phủ thực hiện hiệu quả hơn.
Việc triển khai ban hành Nghị quyết số 268 diễn ra trong bối cảnh khẩn cấp nhưng vẫn bảo đảm dựa trên các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV.
“Chúng ta cần phải có một nghị quyết để cộng đồng trách nhiệm, là chỗ dựa pháp lý vững chắc để Chính phủ, các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói sau khi đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều hôm qua, đồng thời, ông cũng cho rằng, đây là một trong những công việc đầu tiên để cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết liệt thực hiện mục tiêu phòng, chống COVID-19 được đặt ra tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Có lẽ hiếm nhiệm kỳ Quốc hội nào mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quyết định nhanh chóng nhiều vấn đề cấp bách, hệ trọng của đất nước ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ đến vậy. Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề cấp bách trong 2 tuần qua, kể từ khi Quốc hội khóa XV triệu tập họp lần đầu tiên. Ngày 23/7, sau 3 ngày khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 bộ trưởng của Chính phủ để đề nghị việc báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19 để đưa ra Quốc hội thảo luận, có các quyết sách mạnh hơn nữa, trong điều kiện khẩn cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên họp này cho biết, khi nhận được yêu cầu từ phía Chủ tịch Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã họp luôn từ ngày hôm trước và ngay trong đêm phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để xây dựng các báo cáo liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
“Chúng tôi rất cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có yêu cầu này để giúp cho Chính phủ, cho ngành y tế có thêm nhiều điều kiện hơn nữa để chống dịch trong bối cảnh rất nguy cấp như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23/7.
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định: “Chúng ta đang ở trong tình hình khẩn cấp về đại dịch COVID-19 nên đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cả các cơ quan của Quốc hội không ngại họp sớm khuya hay vào ngày nghỉ, sẵn sàng xem xét, cho ý kiến với các đề xuất của Chính phủ, của Bộ Y tế và các bộ, ngành khác để làm sao chúng ta sớm kiểm soát và tiến tới chiến thắng được đại dịch COVID-19 trong lần này”.