“Đi tắt đón đầu” phát triển đô thị sân bay09/10/2024 - 08:52:00 Với nhiều lợi thế khác biệt, Long Thành có tiềm năng trở thành đô thị sân bay hiện đại đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều này cần "đi tắt, đón đầu" và đầu tư mạnh tay phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Cần 2 tỷ USD đầu tư hạ tầngĐầu tháng 10, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại huyện Long Thành, Đồng Nai ghi nhận không khí tất bật xây dựng "siêu" sân bay lớn nhất cả nước, hệ thống đường cao tốc kết nối và không xa sẽ là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua. Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng các vùng động lực quanh sân bay Long Thành. Với vị trí nằm giữa tam giác kinh tế TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu, Long Thành không chỉ là cửa ngõ hàng không mà còn là trung tâm kết nối kinh tế của vùng. Để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành đô thị sân bay đầu tiên của cả nước, địa phương đã sẵn sàng về quy hoạch đất đai cho các khu công nghiệp, đường giao thông, sinh hoạt cộng đồng, cơ sở hạ tầng đô thị. Hiện nay, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, cầu Nhơn Trạch... Các dự án này sẽ hoàn thiện, đưa vào khai thác từ năm 2025 - 2027 để đáp ứng nhu cầu đến và đi từ sân bay Long Thành. Ngoài ra, hàng loạt tuyến đường nội tỉnh như 770B, 769, 773, 25B, 25C cũng đang được tỉnh đầu tư nâng cấp, giúp mở rộng kết nối. Cảng biển Phước An đang hoàn thiện để sớm đưa vào khai thác. Cảng biển Phước An cách sân bay Long Thành khoảng 10km đang tất bật hoàn thiện để chuẩn bị đưa vào khai thác. Cảng có tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng, năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs mỗi năm. Theo ông Trương Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Cảng Phước An, cảng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông và tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. "Kết nối thủy bộ, hàng không, đường sắt... sẽ là ưu thế của Long Thành mà không phải địa phương nào cũng có", ông Hải nói. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được nghiên cứu đầu tư sẽ đi xuyên qua sân bay Long Thành, kết thúc tại Thủ Thiêm, TP.HCM sẽ là điểm giao thoa tuyệt vời của 5 loại hình vận tải tại Long Thành. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng các vùng động lực quanh sân bay Long Thành. Lãnh đạo tỉnh này cũng kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, dự án sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3 - 5%. Cũng theo ông Lĩnh, quy hoạch là chìa khóa mấu chốt để phát triển đô thị. Đặc biệt ngoài vốn đầu tư từ Nhà nước, cần thêm nguồn xã hội hóa. Diện mạo đô thị sân bay ra sao?Theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, Thủ tướng chấp thuận để Đồng Nai lấy khu vực đô thị sân bay Long Thành làm động lực phát triển mới. Đô thị Long Thành được quy hoạch đồng bộ, gắn kết với các quy hoạch cấp quốc gia và vùng Đông Nam bộ, phát triển dựa trên lợi thế của sân bay Long Thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và sau năm 2030 là đô thị loại II, trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ hậu cần, logistics, công nghiệp và công nghệ cao. Với giao thông hoàn chỉnh, Long Thành sẽ kết nối với TP Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Khu phía Tây Nam sân bay Long Thành sẽ tập trung phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ… Còn các khu, cụm công nghiệp, logistics được hình thành tại khu vực phía đông nam sân bay. Phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và Vành đai 4 TP.HCM. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ hình thành "tứ giác đô thị động lực" xung quanh sân bay Long Thành. TP Long Thành là đô thị thông minh, trung tâm thương mại - dịch vụ, giao lưu quốc tế. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã tổ chức cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận". Đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận có ranh giới thuộc 3 huyện Long Thành, Thống Nhất, Cẩm Mỹ với diện tích hơn 57.000ha. Điểm khác biệt với các đô thị khác, theo ông Đức là các khu dân cư, khu đô thị của Long Thành ưu tiên cho không gian xanh, không gian công cộng để đáp ứng phục vụ người dân, du khách đến và đi từ sân bay. "Chúng tôi sẽ bám sát theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông liên vùng", ông Đức nói. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, lợi thế của Long Thành là xây dựng một thành phố mới hoàn toàn. Các khu vực đô thị cũ không nhiều nên các quy hoạch sẽ được xây dựng bài bản, trong đó chú trọng đến phát triển đô thị theo hướng sinh thái, bền vững. Cũng theo ông Lộc, sân bay Long Thành có vị trí rất thuận lợi, di chuyển về TP.HCM chỉ mất khoảng 40 phút. Sau này, có tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm việc đi lại sẽ còn nhanh hơn. Một lợi thế khác là sân bay Long Thành nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Vì thế, nếu quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, đang phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc và lựa chọn đấu thầu quốc tế đơn vị tư vấn quy hoạch Long Thành là thành phố sân bay. Để tạo thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng, ngoài nguồn vốn ngân sách, huyện đã sớm lựa chọn các vị trí đất đắc địa, có thể đấu giá sau này để phục vụ các dự án. Biến tầm nhìn thành hiện thực cách nào?Ông Lê Đình Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổ trưởng Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, đến năm 2030, Đồng Nai đặc biệt là Long Thành sẽ có hạ tầng giao thông mà không nơi nào sánh được. Từ đó tạo cơ hội lớn để phát triển kinh tế đồng bộ cho toàn vùng Đông Nam bộ. Dự án Gem Sky chỉ cách sân bay Long Thành hơn 5km với đầy đủ tiện ích như trường học, khu vui chơi, khu mua sắm, có nhà liền kề, biệt thự... Theo TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn, đô thị sân bay có nghĩa là sân bay kết nối với đô thị như thế nào phải có tính toán đồng bộ, toàn diện. Còn làm theo tư duy cũ, tức sân bay là vùng trắng, đô thị không được tác động đến, chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Không chỉ hạ tầng giao thông kết nối đa phương tiện, ngay trong nội bộ sân bay với bên ngoài, đô thị sân bay còn phải hội đủ các dịch vụ văn phòng thương mại, giải trí ở vùng bán kính 5-10km để đáp ứng nhu cầu. Lý giải rõ hơn, ông Sơn cho biết, không phải chỗ nào có sân bay cũng phát triển được đô thị sân bay. Ở Việt Nam chỉ bốn nơi có khả năng làm được, đó là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Long Thành. Và Long Thành là địa điểm lý tưởng khi là nơi giao thoa của 5 loại hình giao thông, được quy hoạch bài bản, xây dựng mới hoàn toàn. "Tuy nhiên, để biến tầm nhìn này thành hiện thực trong 10 năm tới, việc triển khai cần đi kèm với những tư duy đột phá và tầm nhìn dài hạn", ông Sơn khuyến nghị. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho các lĩnh vực quan trọng, biến khu vực phụ cận trở thành một trung tâm phát triển đa ngành, trong đó công nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ thương mại sẽ dẫn đầu. "Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là trở thành cửa ngõ trung chuyển chiến lược của miền Nam. Tỉnh đang thúc đẩy hợp tác công - tư, cải thiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn các tập đoàn lớn trong và ngoài nước sẽ đến đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và logistics", bà khẳng định. Dành 9.000ha đất phát triển logisticsÔng Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang phát triển logistics với hai sân bay Long Thành và Biên Hòa (sân bay lưỡng dụng), cùng với hệ thống cảng biển, cảng cạn, đường sắt và các tuyến cao tốc. Quy mô hạ tầng này dự kiến lên tới gần 9.000ha. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch ba trung tâm logistics hiện đại với tổng diện tích gần 450ha, trong đó có Trung tâm Logistics phía Nam sân bay Long Thành (100ha) và Trung tâm Logistics phía Bắc sân bay Long Thành (100ha). Đồng thời, tổ hợp nghiên cứu và đổi mới sáng tạo rộng 300ha trong đô thị sân bay cũng đang được triển khai. Lấy cảm hứng từ các mô hình thành phố sân bay trên thế giới như Incheon (Hàn Quốc) hay Changi (Singapore), Đồng Nai đang từng bước xây dựng Long Thành trở thành một đô thị hiện đại, với đầy đủ tiện ích, hạ tầng số và dịch vụ cao cấp cho người dân, du khách và các chuyên gia nước ngoài. Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch thương mại, dịch vụ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉnh có 26 trung tâm thương mại, nhiều kho xăng dầu và các dự án logistics. Trong đó, riêng khu vực phụ cận sân bay Long Thành, ngành chức năng đã quy hoạch gần 900ha đất thương mại, dịch vụ để kêu gọi đầu tư. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, thực tế hiện nay quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố vẫn đang được thực hiện tách riêng với sân bay nên chưa đồng bộ, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Đồng Nai cần hoàn thiện hệ thống giao thông vùng trong đô thị và quan trọng nhất là tăng cấp độ kết nối với TP.HCM. Cần định hình lại trục giao thông huyết mạch là giao thông đa phương tiện, kết hợp giữa đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường cao tốc nối liền Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hướng thẳng ra biển, giảm nhiều chi phí, thuận lợi kết nối hàng hóa. "Ngoài ra, việc quy hoạch và xây dựng các khu đô thị vệ tinh, các khu dân cư và trung tâm thương mại quanh sân bay cần được thực hiện một cách bài bản, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo, phát triển thiếu đồng bộ. Long Thành không chỉ cần được đầu tư về hạ tầng mà còn cần phải có một hệ sinh thái đô thị hiện đại, hấp dẫn với người dân và các nhà đầu tư quốc tế", ông Sơn nói. Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|