“Điểm nghẽn” năng suất lao động23/09/2022 - 16:18:00 Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), tính đến nay tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ nghề của Việt Nam mới chỉ đạt 26,2% và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ.
Đáng chú ý, chất lượng lao lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61). Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu thì kỹ năng nghề của lao động cần phải được nâng lên, vì chúng ta phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh. Nhưng đến nay, theo Bộ LĐTBXH đánh giá, thì về mặt tổng thể Việt Nam chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao. Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen, cho rằng tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng trưởng năng suất, trong đó, năng suất lao động là một khía cạnh quan trọng, bởi năng suất lao động gắn với gia tăng thu nhập. Trong khi tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhân lực. Bà Ingrid nhận xét, ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi. Còn một thực tế bất cập khác về nguồn lực lao động, đó là nhiều tỉnh/thành tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lại có dân số ít, nguồn lao động không nhiều. Ngược lại, nhiều địa phương tập trung thu hút đầu tư nhưng không tính toán đến cung - cầu lao động, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động… Điều đó dẫn tới việc mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…). Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường. Bộ LĐTBXH cho biết, có tới 84,61% lao động có trình độ cao đẳng; 65,99% số lao động có trình độ trung cấp; 22,81% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo. Mặt khác, có khoảng 44,48% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp. Từ đó cũng dẫn tới bất cập, ảnh hưởng lớn tới năng suất lao động. Trong khi lực lượng lao động ở nông thôn khá ổn định thì tại các thành phố lớn lại thiếu hụt lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động năm nay là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Đó là “cảnh cửa mở” nhưng cũng không hẳn thuận lợi. Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động lớn nhất cả nước, nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm 2022 cần khoảng 135.000 chỗ làm việc (trong đó nhu cầu nhân lực trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khoảng 20.000 - 25.000 chỗ làm việc). Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%. Nhưng vẫn khó tuyển dụng. Trong đó có điểm nghẽn đến từ chính sách thu hút lao động mới tại các doanh nghiệp chưa hấp dẫn người lao động, tiền lương khởi điểm bắt đầu vào làm việc thấp, từ 6 triệu đồng trở lên (nếu người lao động không làm thêm giờ). Đây cũng chính là sự bất cập của thị trường lao động hiện nay, bên cạnh việc phân bổ lao động không đều giữa các vùng và kỹ năng tay nghề của người lao động hạn chế. Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn Manpower Group Việt Nam đã đưa ra nhiều số liệu khảo sát cụ thể về thị trường lao động Việt Nam, trong đó có mức lương. Theo đó, mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD). Tương tự, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng đánh giá, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn: Đó là thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động. Điều đó khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động gặp khó khăn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao. “Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19” - ông Công nói. Tại hội thảo Chuyên đề "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua tuy đã được tập trung đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Thanh, để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Từ đó xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|