'Sau quý I/2022, Việt Nam mới có thể sống chung với dịch Covid-19’28/06/2021 - 07:11:00 Nhấn mạnh cần thay đổi quan niệm chống dịch, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng đã đến lúc tính chuyện sống chung với dịch, song phải xây dựng lộ trình và điều kiện cho việc này.
“Kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch. Những nền kinh tế lớn là các thị trường chính của Việt Nam từng bước phục hồi là cơ hội rất lớn cho chúng ta thực hiện mục tiêu kép”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nói trong cuộc trao đổi với Zing. Theo ông, từ phía nội tại, Việt Nam cũng cần xây dựng lộ trình để có thể “sống chung với đại dịch” như một số quốc gia. Chuẩn bị lộ trình "sống chung với dịch"- Trải qua 4 đợt dịch, theo ông, chúng ta cần thay đổi thế nào về quan niệm và phương pháp chống dịch? - Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát diễn biến phức tạp do chủng virus Delta của Ấn Độ lây lan nhanh qua đường không khí. Chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch đã có và lây trong cộng đồng, không thể triệt tiêu hoàn toàn như mục tiêu đặt ra trước đây. Kể cả khi chúng ta đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine cho đa số người dân thì điều đó cũng không có nghĩa là diệt được hoàn toàn Covid-19, bởi những biến chủng của nó vẫn còn. Đó là lý do bây giờ chúng ta phải xác định “sống chung với dịch”. Tuy nhiên, phải xây dựng một lộ trình cho việc này. Vì với 100 triệu dân cùng hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và con người như hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để sống chung với Covid-19.
Trước mắt, vẫn phải tiếp tục truy vết F0, tiến hành khoanh vùng, dập dịch, cách ly. Trong đó, giải pháp cách ly có thể khác đi như tăng cường cách ly tại nhà, hạn chế người trong khu cách ly tập trung để giảm lây nhiễm chéo. Ngay từ bây giờ, phải đầu tư cho y tế để đảm bảo năng lực điều trị và năng lực dự phòng, đẩy nhanh nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Xác định như vậy thì đến hết quý I/2022, chúng ta mới có thể đủ điều kiện để sống chung với dịch, còn bây giờ thì chưa. Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải đồng thời tính đến các giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Giải pháp ngắn hạn là tiếp tục truy vết F0, khoanh vùng, điều trị và cách ly. Song song với đó là nhập khẩu, sản xuất vaccine để thực hiện tiêm vaccine cho người dân.
Giải pháp tiếp theo là phải đầu tư cho y tế. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Người dân cũng chỉ mong dập dịch nhanh nhất để sớm gỡ bỏ giãn cách, như vậy, chiến lược tấn công dịch Covid-19 phải được thực hiện nhanh mặc dù có thể nghiêm khắc nhất, đau đớn nhất. Hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hiện nay là tiêm vaccine cho người lao động. Ngoài ra cần hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bằng các biện pháp miễn, giảm thuế, giãn thời gian trả nợ, giảm tiền thuê mặt bằng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT… Đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, hàng không. Họ bị tổn thương nặng nề nhất qua 4 đợt dịch vừa rồi nên cần hỗ trợ tối đa. Với người dân, hỗ trợ cho người lao động mất việc làm và người lao động khó khăn, phải làm với thủ tục hành chính đơn giản nhất, dễ triển khai nhất. Tất cả điều đó phải cố gắng làm vì cơ hội của chúng ta còn rất lớn do kinh tế thế giới đã phục hồi. - Nhiều quan điểm cho rằng trở ngại của Việt Nam là vấn đề tâm lý, vì so với nhiều nước ở Châu Âu hay Mỹ, tâm lý sợ dịch của người Việt và một số nước ở Châu Á có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế xã hội. Ông nghĩ sao? - Tôi lại thấy khi triển khai Chỉ thị 15 hay 16 của Thủ tướng, còn rất nhiều người thậm chí ra khỏi khu cách ly để đi làm ăn. Điều đó cho thấy không phải người dân sợ Covid-19 đâu. Mà nó cho thấy với nhiều người, sức chịu đựng đã vượt quá giới hạn rồi. Trải qua 4 đợt dịch, họ đã quá mệt mỏi. Vì kế sinh nhai, họ không sợ chết vì Covid-19 nữa mà sợ chết vì đói. Có những người phải mua xe trả góp, mua nhà trả góp, thuê cửa hàng trả góp, hay đơn giản phải kiếm ăn từng ngày… Những điều đó tạo ra áp lực lớn cho cuộc sống của họ nên bên cạnh việc chống dịch, phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời.
Chúng ta ban hành chính sách hỗ trợ nhanh nhưng đi vào cuộc sống còn chậm vì thủ tục hành chính quá nhiều. Điều đó cho thấy chính sách của Nhà nước cũng cần có sự thay đổi. Còn việc một số địa phương lo sợ xuất hiện dịch nên có những biện pháp cứng nhắc, theo tôi cũng có thể hiểu được. Biến chủng virus lần này lây lan rất nhanh nên việc các địa phương có biện pháp hạn chế để không lây nhiễm là cần thiết. Hãy nhìn bài học từ TP.HCM vì không thực hiện Chỉ thị 16 ngay từ đầu nên dịch đã lây lan ra nhiều vùng, đây là bài học xương máu cho thấy giãn cách vẫn là biện pháp hữu hiệu với những nơi chưa được tiêm vaccine. Cần sớm có vaccine dịch vụ- Hiện nay, vaccine là chìa khóa giúp đẩy lùi đại dịch, mở cửa nền kinh tế. Song việc triển khai chiến lược vaccine còn gặp không ít khó khăn từ việc đàm phán, nhập khẩu đến thực hiện. Theo ông, làm sao thực hiện chiến lược vaccine đạt hiệu quả? - Khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine, Thủ tướng đã yêu cầu thần tốc, thần tốc hơn nữa. Chủng virus Delta lây lan rất nhanh thì chúng ta phải nhanh hơn, muốn vậy, vấn đề mua, sản xuất vaccine và điều trị bệnh phải dồn tổng lực, để sớm có miễn dịch cộng đồng, có sức đề kháng vượt qua dịch bệnh phức tạp này.
Tôi cho rằng Chính phủ cần quyết định nhanh và táo bạo hơn trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vaccine miễn phí cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, Chính phủ nên cho mở tiêm chủng vaccine dịch vụ sớm. Việc này sẽ giúp huy động được nguồn lực và sự sáng tạo, năng động của các doanh nghiệp để tìm nguồn vaccine hợp pháp, nhập về tiêm cho người dân. Khi Việt Nam có được nhiều nguồn vaccine, nhiều người dân sẽ được tiêm nhanh hơn. Nghĩa là chúng ta nên triển khai song song hai loại hình tiêm vaccine, nguồn của Nhà nước sẽ tiêm miễn phí cho người dân, người lao động, người nghèo. Còn nguồn doanh nghiệp thì tiêm dịch vụ và có phần hỗ trợ Nhà nước để tiêm cho dân, người lao động. Mặt khác, chúng ta cũng cần hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước.
- Một số nước như Singapore đã lên kế hoạch chung sống bình thường với đại dịch. Theo ông, Việt Nam cần những điều kiện gì để tiến tới việc này? - Singapore và một số nước châu Âu đã xác định tâm lý sống chung với dịch. Nhưng như Singapore chỉ có hơn 5,8 triệu dân, còn chúng ta có 100 triệu dân, nên dù việc học tập kinh nghiệm là cần thiết, chúng ta vẫn cần ứng dụng các bài học một cách có điều kiện. Cụ thể, quan trọng nhất là phải chú ý điều kiện về hạ tầng kinh tế xã hội và y tế. Do đó cần tập trung chiến lược vaccine, đầu tư cho y tế nhiều hơn. Y tế hiện nay đang bị ảnh hưởng và bị bào mòn qua 4 đợt dịch, thu nhập của người làm y tế không tương thích, trang thiết bị thiếu lên thiếu xuống nên cần có sự đầu tư nghiêm túc nhất cho lĩnh vực này. Dập dịch sớm sẽ giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh- Tham dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm hôm 24/6, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong bối cảnh dịch hiện nay? - Tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng trong thời điểm hiện nay. Kiểm soát dịch bệnh, sản xuất, nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 và tiêm cho người dân an toàn mới điều cần được quan tâm hơn cả.
Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn có sự vươn lên, phấn đấu để tìm kiếm cơ hội tốt nhất khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả. Như TP.HCM bị ảnh hưởng rất nặng nề trong năm 2020, tăng trưởng chỉ đạt 1,39%, nhưng đến đầu năm nay khi dịch được kiểm soát, tăng trưởng đạt 4,58%, 6 tháng đầu năm thu ngân sách đã đạt trên 56% dự toán. Nghĩa là tốc độ phục hồi rất nhanh, song khi có dịch lại bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, tập trung tấn công dịch, khoanh vùng dập dịch sớm sẽ giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh. Mục tiêu năm nay có đạt được hay không không quan trọng mà phải nhìn dài hơi đến năm 2022, chúng ta có thể xác định được chặng đường phát triển trong bối cảnh có dịch Covid-19 cũng như các loại dịch khác. Tức là xác lập được trạng thái bình thường mới trong năm 2022 mới là quan trọng. Mục tiêu kinh tế có thể không đạt được, nhưng mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, ta sẽ đạt được nếu ta kiểm soát được dịch Covid-19. Theo Zing
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|