Cụ thể, trong tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu để thống nhất kế hoạch nhập khẩu khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Australia và Tây Australia.
Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương căn cứ trên tình hình vận chuyển thực tế.
Khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Australia trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Song song với kế hoạch này, Thương vụ cho biết sẽ tiếp tục triển khai chương trình xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ quả vải Việt Nam tại Australia. Theo đó, hoạt động kích cầu sẽ được đẩy mạnh triển khai tại các điểm tiêu thụ như siêu thị, mạng xã hội..., trong đó đặc biệt định hướng người tiêu dùng làm quen với màu quả vải ngả vàng do chiếu xạ.
Việc kết nối giao thương cũng sẽ diễn ra liên tục suốt mùa vải. Thương vụ cử cán bộ trực phối hợp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục nhập khẩu tại Australia nếu có, cũng như đề xuất với các cơ quan của Australia để thúc đẩy thông quan thuận lợi.
Khi hết mùa vụ, cơ quan này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chế biến vải thành các sản phẩm như vải khô, vải đông lạnh, vải đóng lon.
"Năm nay, các nhà nhập khẩu và chương trình xúc tiến đều đã sẵn sàng. Kết quả xuất khẩu mùa vải năm nay phụ thuộc phần lớn vào khâu vận chuyển", Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định.
Trước đó, năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, cước vận chuyển hàng không tăng cao, trong khi logistics đường biển cũng gặp nhiều bất cập như khó khăn khi đặt lịch xuất hàng, thời gian vận chuyển kéo dài... Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam sang Australia vẫn tăng 188% so vời cùng kỳ năm 2019.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều cùng nhiều giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh mùa thu hoạch cận kề mà diễn biến dịch còn khó lường. Theo đó, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt 180.000 tấn.
Nếu dịch được kiểm soát, địa phương sẽ đem tiêu thụ 50% nội địa và 50% xuất khẩu. Ở 2 kịch bản khác với diễn biến dịch nghiêm trọng hơn, sản lượng vải tiêu thụ trong nước có thể lên đến 70%, thậm chí toàn bộ.