2024 - năm của thiên tai khốc liệt27/12/2024 - 08:42:00 Cùng với sự gia tăng xung đột vũ trang, bạo lực và nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, năm 2024 còn được coi là năm khí hậu cực đoan dữ dội, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng cường độ của thiên tai. Là năm “bàn giao” giữa El Nino và La Nina, nắng nóng gay gắt, bão tố, lũ lụt xảy ra rất nghiêm trọng. Và, 2024 cũng đã đi vào lịch sử nhân loại với tư cách là năm nóng nhất.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), 2024 là một năm cực kỳ khắc nghiệt và khó khăn đối với con người. Tại châu Á, người dân Ấn Độ và Pakistan đã phải chống chọi với nhiệt độ trung bình từ 45 độ C trở lên, có nơi chạm ngưỡng 52 - 53 độ C. Mexico, quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ cũng phải đối mặt với nền nhiệt cao ngất ngưởng tới 50 độ C. Trong khi đó, tại châu Phi, hàng loạt quốc gia bao gồm Senegal, Guinea, Mali, Burkina, Faso, Niger, Nigeria và Cộng hòa Chad nhiệt độ mùa hè liên tục ở mức 48,5 độ C. Lũ lụt tàn phá nhiều châu lụcTrái đất nóng lên chính là nguyên nhân làm cho nước bốc hơi và có độ ẩm nhiều hơn trong bầu khí quyển. Hơi nước càng nhiều sẽ dẫn tới tình trạng mưa nặng hạt, lượng mưa lớn chính là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Lục địa Đen năm 2024 cùng với hạn hán lan rộng thì ngược lại, những trận lũ lụt cũng tàn phá nghiêm trọng. Ngay trong tháng đầu năm 2024, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 238 người dân châu Phi. Tình trạng này phản ánh rõ việc người dân và cơ sở hạ tầng ngày càng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa khí hậu. Đầu tháng 10/2024, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, gần 7 triệu người ở khu vực Tây và Trung Phi bị đe dọa bởi lũ lụt. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm Cộng hòa Chad, với 1,9 triệu người; Niger 1,3 triệu người, Nigeria 1,2 triệu người và Cộng hòa Dân chủ Congo 1,1 triệu người. Kể từ đầu năm đã có tới hơn 1.400 người thiệt mạng do lũ lụt. Riêng tại Cộng hòa Chad, lũ lụt nghiêm trọng đã làm chết hơn 550 người. Mưa lớn bắt đầu từ tháng 7 tới cuối tháng 9 được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên khắp 23 tỉnh của đất nước châu Phi này. Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), đợt lũ lụt nghiêm trọng không chỉ khiến hơn 550 người thiệt mạng mà còn phá hủy hơn 210.000 ngôi nhà, khiến nhiều gia đình mất nhà cửa và dễ bị tổn thương. Với khoảng 1,9 triệu người bị ảnh hưởng, UNFPA ước tính rằng 85.000 người trong số đó là phụ nữ mang thai. Trong khi đó, tại châu Á, trận lụt kinh hoàng đã đánh gục hạ tầng của thành phố Dubai hiện đại bậc nhất thế giới. Trận mưa lớn nhất 75 năm trở thành thách thức chưa từng có với hạ tầng thoát nước Dubai, khiến thành phố vốn quen với khí hậu sa mạc khô nóng này tê liệt hơn 1 tuần. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có thành phố Dubai, ngày 16/4 hứng chịu trận mưa lớn nhất kể từ khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1949. Lượng mưa trút xuống trong 24 giờ tương đương gần 2 năm, khiến thành phố này ngập trong biển nước. "Các thành phố ở vùng khô nóng rất thiếu chuẩn bị cho tình huống mưa lớn, cơ sở hạ tầng thường không có khả năng thoát nước nhanh chóng" - tiến sĩ Zachary Lamb (Khoa quy hoạch vùng và đô thị, Đại học California, Mỹ), nói. Biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn những giả định về điều kiện thời tiết dùng để thiết kế, xây dựng hạ tầng cho các thế hệ sau. Biến đổi khí hậu do ảnh hưởng từ con người đang khiến những đợt nắng nóng và mưa bão trở nên cực đoan, xảy ra thường xuyên và khó dự đoán hơn. Giới khoa học tin rằng về dài hạn, Trung Đông sẽ đối mặt nền nhiệt cao hơn, mưa ít hơn nhưng những cơn lũ bất thường có thể gây ra những tai họa khủng khiếp. Theo tiến sĩ Linda Shi (Đại học Cornell, Mỹ) thì những sự kiện như vậy rất thất thường và không thể dự đoán trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, tại châu Âu, Tây Ban Nha là quốc gia phải chống chọi với trận lũ quét kinh hoàng nhất. Truyền thông nước này gọi đó là “ngày tận thế” khi trận lũ quét đã giết chết hơn 200 người ở một đất nước thường xuyên nắng nóng và ít mưa. Vùng Valencia là tâm điểm của trận lũ quét, dòng nước cuốn trôi cầu đường kể cả đường ray xe lửa, đồng thời nhấn chìm diện tích lớn đất nông nghiệp. Trận lũ quét khiến Valencia chất chồng bùn đất, mảnh vỡ và hàng ngàn chiếc ô tô bị vùi lấp. Thị trấn Paiporta tại vùng Valencia là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất trong trận lũ lịch sử này. Trong số 155 người thiệt mạng tại Valencia, ít nhất 62 trường hợp xảy ra ở Paiporta. "Mọi thứ đều bị phá hủy" - Cardona Teruel, người dân địa phương, nói. "Giống như ngày tận thế, thây ma trỗi dậy mà bạn thấy trong phim vậy". Bộ trưởng Giao thông vận tải Tây Ban Nha Oscar Puente cho biết, nhiều tuyến đường bị chặn bởi những chiếc ô tô bị bỏ lại và phải mất 3 tuần để thể thiết lập lại kết nối tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid. Tại thị trấn nông thôn Utiel, sông Magro vỡ bờ, khiến nước tràn vào các ngôi nhà chủ yếu là một tầng, với mực nước lên tới 3 mét. Thị trưởng Utiel, Ricardo Gabaldon cho biết, nhiều người già, người khuyết tật và trẻ em đã thiệt mạng do không thể trèo lên nơi an toàn để thoát thân. Trận lũ quét kinh hoàng hôm 29/10/2024 khiến Tây Ban Nha trở thành thảm họa tồi tệ nhất ở châu Âu trong hơn 5 thập kỷ. Lần gần nhất châu lục này ghi nhận thương vong tương đương là năm 1970, khi lũ lụt nghiêm trọng làm 209 người thiệt mạng ở Romania. Các nhà khoa học khẳng định, hiện tượng thời tiết lạ đến từ biến đổi khí hậu đã gây ra trận lũ quét cực kỳ nghiêm trọng ở Tây Ban Nha. Siêu bão ngày một dày đặcBão Milton được các chuyên gia khí tượng mô tả là siêu bão mạnh nhất năm 2024 với sức gió lên tới 270km/h. Giới chức Florida (Mỹ) buộc phải cảnh báo người dân "ai không di tản sẽ chết". Nick Underwood (Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ - NOAA) nhận xét, Milton là một trong những cơn bão có sức tàn phá lớn nhất từng được ghi nhận ở phía Tây và Trung của tiểu bang Florida (Mỹ). Trung tâm bão quốc gia Mỹ cho biết, ngày 9/10, bão Milton tiến về bờ biển Florida với sức mạnh của cơn bão cấp 5 (mức cao nhất theo thang đo của Mỹ) với sức gió lên tới 270km/h. Sức mạnh của siêu bão có thể tạo ra sóng thần, khiến mực nước biển dâng cao 1,8m. Bà Jane Castor - Thị trưởng Tampa, cho biết siêu bão có thể gây ra những đợt sóng thần nuốt chửng toàn bộ các ngôi nhà. Giới chức Florida đã phải sơ tán gần 1,5 triệu người sống ở vùng đô thị ven vịnh Tampa. Ông Jason Dougherty - Trưởng phòng Cứu hỏa quận Hillsborough, nhấn mạnh "nếu ở lại có thể sẽ thiệt mạng ". Theo các chuyên gia, bão Milton là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024, thách thức các giới hạn chịu đựng của con người. Hình ảnh ghi lại từ vệ tinh của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cho thấy bão Milton bao trùm gần như toàn bộ Vịnh Mexico. Cơn bão này bất thường bởi tốc độ tăng cấp chóng mặt: Từ cơn cuồng phong bình thường trở thành bão cấp 5 quái vật với sức gió 260 km/h trong vòng chưa đầy 24 giờ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, mặc dù sức gió có thể gây sốc nhưng mối đe dọa lớn hơn lại nằm ở diễn biến triều cường do bão khi mà mực nước biển tại nhiều khu vực ở Vịnh Tampa dâng cao từ 3-4,5m. Đáng chú ý, chỉ gần 2 tuần trước đó, người dân sinh sống ở khu vực bờ biển phía Tây của tiểu bang Florida đã phải hứng chịu cơn bão Helene đổ bộ và đang phải vật lộn vô cùng vất vả để khắc phục hậu quả, thì siêu bão Milton lại ập tới. Ông Daniel Swain - nhà khoa học về biến đổi khí hậu (Đại học California) cho rằng chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn thời tiết cực đoan thực sự bất thường, với mức độ tàn phá nặng nề. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng những siêu bão trong năm 2024 là chưa từng có với sức công phá ở mức kinh hoàng nhất. Bên kia đại dương, cách nửa vòng Trái đất, năm 2024, nhiều quốc gia châu Á bị tàn phá bởi siêu bão Yagi. Siêu bão này có đặc điểm là lượng mưa lớn và gió mạnh, gây ra thiệt hại lớn về người và của. Đầu tiên, siêu bão Yagi đổ bộ vào Philippines, sau đó di chuyển về phía tây, càn quét qua miền nam Trung Quốc rồi đi qua Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào, gây ra lũ lụt, lở đất, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Gần một tuần sau khi cơn bão đổ bộ, nhiều khu vực ở Việt Nam và Thái Lan vẫn còn ngập nước. Lũ lụt liên tục đã gây ra sự gián đoạn trên diện rộng và các cộng đồng dân cư phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và hậu quả mà bão để lại. Sự kết hợp giữa lũ lụt và lở đất đã khiến tình hình trở nên vô cùng khó khăn. Hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á đã phải đối mặt lâu dài với hậu quả tàn phá của Yagi. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), bão Yagi được cho là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở Biển Đông trong vòng 10 năm, với cường độ trên cấp 17. Tuy nhiên, chưa dừng lại, giữa tháng 11/2024, Biển Đông lại xuất hiện siêu bão. Sức gió của siêu bão Manyi là 198 km/h (cấp 16), gió giật 270 km/h (trên cấp 17). Trong khi đó, sức gió mạnh nhất của bão Yagi khi vào Biển Đông trở thành bão số 3 lúc đạt cường độ đỉnh điểm là 195 km/h. Theo hai cơ quan theo dõi bão là Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp (JTWC) của Mỹ và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), siêu bão Manyi mạnh hơn bão siêu bão Yagi, có thể là cơn bão mạnh nhất châu Á năm 2024. Cụ thể, theo JTWC, sức gió của siêu bão Manyi là 260 km/h, cao hơn cấp 17 (202 - 220 km/h), còn bão Yagi lúc có cường độ cực đại thì sức gió đạt 235 km/h. Trong khi đó, theo JMA, sức gió của siêu bão Manyi là 198 km/h (cấp 16), gió giật 270 km/h (trên cấp 17); còn sức gió mạnh nhất của bão Yagi lúc đạt cường độ đỉnh điểm là 195 km/h. Bão Manyi đã khiến hơn 250.000 người Philippines phải sơ tán. Đáng nói là, năm 2024, Manyi là cơn bão thứ 6 ảnh hưởng đến Philippines chỉ trong vòng một tháng. Cơ quan khí tượng nước này (PAGASA) cho biết, người dân đã thực sự kiệt sức vì bão. Theo giới chuyên gia khí tượng, hiện tượng đại dương ấm hơn do con người đốt nhiên liệu hóa thạch được cảnh báo sẽ khiến nhiều cơn bão lớn xuất hiện vào cuối năm và trở nên phổ biến hơn trong tương lai với mức độ được cho là ngày càng trầm trọng Hạn hán và cháy rừng ngày một dữ dội hơnNăm 2024, hạn hán khốc liệt dẫn đến đại họa và làm những cánh rừng bốc cháy. Ngay trong tháng 2, đã có gần 3.000 đám cháy xảy ra tại rừng Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil. Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil công bố, các vệ tinh của viện này đã phát hiện 2.940 vụ cháy rừng, cao hơn 67% so với mức cao ghi nhận trước đó là 1.761 vụ hồi tháng 2/2007 và cao gấp 4 lần so với tháng 2/2023. Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM), bà Ane Alencar, cho rằng yếu tố khí hậu chắc chắn đóng vai trò cơ bản trong sự bất thường này, trong đó việc Trái đất liên tiếp trải qua các mốc kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình đã cộng hưởng với các hiện tượng khí hậu như hạn hán, làm cạn lượng lớn trữ lượng nước, gây thảm họa cho động vật hoang dã và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Vẫn theo bà Alencar, tình trạng tiêu cực của môi trường đã giúp các đám cháy mở rộng quy mô. Diện tích rừng Amazon bị cháy bằng hai nước Đức và Pháp cộng lại. Amazon, khu rừng rậm lớn nhất thế giới trải dài qua 9 quốc gia, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do khả năng hấp thụ khí carbon dioxide (C02) từ bầu khí quyển. Tuy nhiên, diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể, cộng thêm các đám cháy rừng kỷ lục trong thời gian qua đã khiến lượng khí C02 được hấp thụ giảm đi nhiều, qua đó tích tụ trong bầu khí quyển. Bà Sandra Rio Caceres, thuộc Viện Lợi ích chung của Peru cho rằng việc cháy rừng ở Amazon có liên quan trực tiếp đến nạn hạn hán nghiêm trọng làm cho mực nước tại một số con sông ở vùng rừng Amazon giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đe dọa cuộc sống của khoảng 47 triệu người sinh sống ven sông, thuộc Brazil, Ecuador, Colombia, Bolivia, Argentina, Paraguay và Peru. Tháng 8/2024, các nhà khí tượng cho rằng đó là “tháng tồi tệ nhất” đối với rừng Amazon. Số liệu từ Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil cho thấy, hệ thống vệ tinh đã phát hiện ra 38.266 điểm cháy rừng ở Amazon trong tháng 8. Bà Helga Correa, chuyên gia bảo tồn của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Brazil cho biết, các đám cháy rừng đã khiến khu vực này muốn khôi phục lại cần ít nhất 100 năm nữa. Cũng ở châu Mỹ, ngay từ đầu năm chính phủ Chile đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp do cháy rừng ở vùng Valparaiso, miền Trung nước này. Theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống và Ứng phó thảm họa quốc gia Chile, các đám cháy rừng đã phá hủy tổng cộng 6.974 ngôi nhà và khiến 133 người thiệt mạng. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Chile. Còn tại Hoa Kỳ, cuối tháng 2/2024, cháy rừng lan nhanh tại bang Texas buộc một nhà máy hạt nhân phải tạm đóng cửa 1 tháng và cư dân tại nhiều thị trấn phải sơ tán. Cơ quan Thời tiết quốc gia cảnh báo các đám cháy rừng lan nhanh do gió mạnh và nhiệt độ ấm bất thường. Sở Lâm nghiệp Texas ghi nhận 31 đám cháy bùng phát tại tiểu bang này, trong đó đám cháy lớn nhất thiêu rụi hơn 1.000 km2 diện tích rừng. Tuy nhiên, trong năm 2024, cháy rừng dữ dội nhất ở Hoa Kỳ chính là tiểu bang California. Ngày 11/9, chính quyền tiểu bang này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Cháy rừng tàn phá những ngọn đồi gần Los Angeles và vượt khỏi tầm kiểm soát. Cảnh sát trưởng quận Los Angeles Robert Luna cho biết, khói dày đặc đã cản trở các nỗ lực cứu hộ của 5.700 nhân viên cứu hộ cùng hàng chục máy bay và hơn 500 xe cứu hỏa. Nhà khoa học biến đổi khí hậu Daniel Swain gọi sự kiện này là "bão lửa ngoại ô", có thể được xếp vào loại tàn phá nhất ở bang California trong năm 2024. Được tiếp thêm sức mạnh bởi những cơn gió giật lên tới 35,7 mét/giây, đám cháy đã phun ra lửa và than hồng xa tới trên 3 km. Các vụ cháy rừng ở California còn kéo dài tới tuần đầu tháng 11 mới chấm dứt. Còn tại châu Âu, ông Janez Lenarcic - Ủy viên Quản lý khủng hoảng EU cho biết, châu Âu là lục địa có tốc độ nóng lên nhanh nhất toàn cầu và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các biểu hiện thời tiết khắc nghiệt. "Chúng ta đang chứng kiến một châu Âu vừa ngập lụt vừa cháy rừng. Những sự kiện thời tiết khắc nghiệt này ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn” - ông Lenarcic nhấn mạnh và dẫn chứng tại Bồ Đào Nha, một vụ cháy rừng quy bùng phát khiến Chính phủ phải huy động 5.000 lính cứu hỏa để khống chế. Chỉ tính riêng tại Aveiro, lửa đã thiêu rụi hơn 30.000ha rừng, 47 người thương vong. n Hàng loạt ô tô hư hỏng sau trận lũ quét ở Valencia (Tây Ban Nha). Khung cảnh tan hoang sau bão tại thành phố Fort Myers (tiểu bang bang Florida, Mỹ). Lính cứu hỏa bất lực trước đám cháy rừng gần làng Sikorrachi (phía tây Alexandroupolis, Hy Lạp). Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, năm 2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao đến mức khiến năm 2024 gần như chắc chắn sẽ “xô đổ” các kỷ lục nhiệt độ trước đó. Giới khoa học cho biết việc nhiệt độ trung bình năm 2024 vượt mức tăng 1,5 độ C khiến Trái đất ấm lên, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các thảm họa thiên nhiên càng khiến các quốc gia nghèo chịu nhiều tổn thất hơn. Trái đất đang ở vào thời điểm nóng lên ở cấp độ chưa từng có tiền lệ - theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Gutteres nhấn mạnh, nhân loại đang thiêu đốt Trái đất và phải trả giá; đồng thời kêu gọi vai trò then chốt của thanh niên trong hành động chống biến đổi khí hậu. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|