17h, tại nút giao thông Cát Lái trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM), không khó để bắt gặp tình trạng người ăn xin, người bán tăm bông, bán vé số... ngay tại giao lộ này. Theo người dân địa phương, tại khu vực này, thường xuyên xuất hiện một số em nhỏ trông bộ dạng gầy gò, đen đúa, áo quần lem luốc đi cùng một người phụ nữ khoảng 30 tuổi.
Khi đèn đỏ bật lên, các em lập tức cầm chiếc ca nhựa hay chiếc nón cũ phóng ra đường rồi luồn lách giữa các xe, đầu gật gù, ngửa tay xin tiền người đi đường. Thường xuyên lưu thông qua khu vực này, chị Hà (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, thường các trẻ xuất hiện để ăn xin vào buổi trưa chiều:
“Mình thấy trước mắt là nó gây cản trở giao thông, vì dừng đèn đỏ như vậy thì người ta lại xin, rồi nhiều khi đèn xanh bất chợt tới thì mình phải chạy nhưng lại vướng người ăn xin. Thứ 2 là người ta ngồi lề đường ăn xin thì nhìn vào rất mất mỹ quan đô thị”.
Tại giao lộ Trường Chinh – Cộng Hòa (quận Tân Bình giáp quận Tân Phú) cũng thường xuyên xuất hiện một số em nhỏ đen nhẻm luồn lách giữa luồng xe cộ, ngửa tay xin tiền. Đặc biệt, khu vực này vào ban đêm, xuất hiện những đứa trẻ từ 5-15 tuổi đến diễn phun lửa để xin tiền gây náo loạn khu vực.
Từng chứng kiến cảnh này, ông Sơn (ngụ quận Tân Bình) kiến nghị: “Tôi thấy có rất nhiều em cơ nhỡ, có nhiều thành phần phức tạp nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc để giúp đỡ, làm cho sạch sẽ không gian thì rất tốt”.
Không chỉ xuất hiện ở các khu vực vùng ven, ở trung tâm thành phố, tình trạng ăn xin hoặc người khuyết tật bò lết trên đường xin tiền, bán vé số cũng ngày càng nhiều như: dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, khu vực quận 1, quận 5, hay đường Mai Chí Thọ, thuộc TP. Thủ Đức, tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn quận 12 và quận Bình Tân.
"Em thấy rất mất mỹ quan đô thị và gây cản trở giao thông".
"Dù biết rằng có người đứng đằng sau đó nhưng mà vì lòng thương người nên nhiều lúc mình vẫn cho họ".
"Tôi mong cơ quan chức năng thành phố có biện pháp ra quân xử lý triệt để, thứ nhất là góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng đó, thứ 2 là làm cho đô thị đẹp hơn, không còn tình trạng ăn xin, chèo kéo xin tiền nữa".
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ (Chuyên gia xã hội học tội phạm), tình trạng ăn xin ở TP.HCM là hiện tượng xã hội đã có từ lâu, nhưng hình ảnh này chỉ là hình thức bên ngoài. Sau hình ảnh ăn xin của trẻ em, người già, người tàn tật trên đường phố là có hẳn một đường dây, một hệ thống tổ chức lợi dụng người già, trẻ em để tiến hành ăn xin nhằm trục lợi cá nhân.
Đây là một hành động tàn nhẫn, việc làm thiếu nhân văn, là hành vi rất đáng lên án và cần phải có biện pháp nhanh chóng khắc phục.
PGS.TS Trương Văn Vỹ nhấn mạnh: "Để giải quyết một cách triệt để căn cơ, giảm bớt và dẫn đến loại trừ hành vi ăn xin, lợi dụng người già, trẻ em ăn xin thì nó cần những giải pháp mang tính tổng hợp, từ những cấp vĩ mô cho đến tầng vi mô.
Trước hết, từ phía cơ quan chính quyền, cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có những biện pháp thông báo chung cho toàn xã hội để biết có hiện tượng như vậy và có những biện pháp mang tính hành chính, nghiệp vụ, an ninh ngăn chặn tình trạng đó.
Ở cấp thấp hơn chính là ý thức của người dân. Nếu người dân có ý thức tích cực thì họ có thể theo dõi, giám sát, quay video báo về cho các cơ quan chức năng, để họ có thể tham gia trực tiếp xử lý vụ việc như vậy thì cũng là cách để giúp đỡ các cơ quan thi hành pháp luật giảm bớt và ngăn ngừa hành vi này loại trừ hiện tượng này ra khỏi xã hội".
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào thì trẻ em luôn là nhóm đối tượng cần được ưu tiên quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Trẻ em đã có bộ luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực ngày 1/6/2017.
Do đó trong điều kiện hiện nay ngoài các kế hoạch, chương trình chung cho việc giải quyết người lang thang xin ăn thì nên có các quy định, giải pháp quyết liệt hơn, căn cơ hơn và thực hiện liên tục, thường xuyên… Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp hệ thống đồng bộ và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để trục lợi...
Cũng theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: “Chúng ta phải tăng cường kết nối mạng lưới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, vai trò đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Chúng ta rất khó can thiệp và hỗ trợ hiệu quả nếu không có sự liên kết vì những vụ việc xảy ra thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cần cung cấp rộng rãi thông tin cơ quan, đơn vị, số điện thoại liên lạc của các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề có liên quan đến người lang thang xin ăn. Riêng đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng phải đảm bảo việc tiếp nhận thông tin một cách kịp thời, chủ động trong việc phối hợp xử lý các vụ việc, tránh tính trạng khi người dân cần liên hệ thì không có ai để tiếp và hướng dẫn".
Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã tiến hành thu dung, đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội 697 trẻ em, người lang thang xin ăn... Gần đây nhất, chỉ trong 1 tháng, các đơn vị thuộc Sở này đã tiếp nhận ban đầu 128 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn.
Theo Công an TP.HCM, thời gian gần đây, tình trạng người lang thang, xin ăn có dấu hiệu xuất hiện trở lại, tăng dần ở khu vực ngoại thành và phần lớn những trường hợp này đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong đó, nhiều người xin ăn giả dạng, lợi dụng trẻ em để xin ăn, một số người khuyết tật, người cao tuổi bán đồ lặt vặt hoặc chèo kéo du khách, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch, gây mất thiện cảm đối với du khách, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Dẹp nạn ăn xin, chăn dắt ăn xin - Cần cả tầm nhìn lẫn quyết tâm
Giống như nhiều vấn đề an sinh nhức nhối khác, nạn ăn xin, chăn dắt ăn xin tại TP.HCM và nhiều đô thị lớn của nước ta mỗi lẫn nhắc tới là mỗi lần cảm thán. Dù đã rất nhiều lần được đề cập, phân tích, mổ xẻ cũng như đưa ra vô số phương án giải quyết nhưng “đâu lại vào đó”.
Việc giải quyết tình trạng ăn xin, chăn dắt ăn xin tại TP.HCM những năm qua có thể xem là điển hình của tình trạng “làm theo phong trào, xử theo chiến dịch”. Rầm rộ khi ra quân với cơ man nào là đoàn thể, tổ chức nhằm mang đến những con số thống kê ấn tượng, để rồi sau đó không lâu mọi thứ lại trở về nguyên trạng thậm chí còn phức tạp, nhức nhối hơn.
Điều đó càng khẳng định rằng, cách làm như thời gian vừa qua đã không còn hiệu quả, không chỉ gây lãng phí nhân lực vật lực mà còn làm giảm niềm tin của người dân đối với việc thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của chính quyền thành phố.
Cách đây chưa lâu, một số địa phương như Đà Nẵng, Tây Ninh đã có những thành tựu đáng khích lệ trong việc dẹp nạn ăn xin, buôn bán hàng rong. Những thành tựu ấy mang đậm dấu ấn nhân văn trong việc thực hiện công tác an sinh, đồng thời thể hiện quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương.
Đây hoàn toàn là bài học kinh nghiệm cần thiết để TP.HCM tiếp thu, cải biến sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Vĩ mô hơn, Chính phủ, Quốc hội cùng các Bộ ngành cần sớm có những chính sách hỗ trợ lẫn chế tài xử lý cụ thể đối với các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị lợi dụng. Quá trình xây dựng các chính sách an sinh cần cần đặt yếu tố bền vững, lâu dài theo hướng “trao cần câu hơn trao con cá”.
Ngoài ra, chính người dân tại các đô thị nên có thái độ rõ ràng, cương quyết bằng cách không cho tiền người ăn xin cũng như mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công quyền đối với hàng vi chăn dắt, tổ chức ăn xin.
Phải thừa nhận rằng, không dễ để dẹp nạn ăn xin, tổ chức ăn xin một cách triệt để trong thời gian ngắn. Ngay như cả một địa phương đi đầu trong chính sách này là thành phố Đà Nẵng cũng có phần lúng túng khi để tình trạng này tái diễn.
Điều này càng khó hơn với một đô thị có quá nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết như TP.HCM. Tuy nhiên, khó không phải là không thể và TP.HCM cũng không thể cứ mãi kêu khó rồi tiếp tục để vấn nạn này trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.