Bao giờ vaccine Nanocovax được đưa vào sử dụng?06/09/2021 - 20:58:00 Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, vaccine là một sản phẩm đặc biệt, không những ảnh hưởng tới một người mà còn liên quan tới nhiều thế hệ.
Chiều 6/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, trả lời về việc bao giờ đưa vaccine Nanocovax vào sử dụng thực tế? Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Hiện tại vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giữa pha 3. Vừa qua, khi công ty Nanogen kết hợp với các đơn vị nghiên cứu là Học viện quân y, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng pha 3a nộp hồ sơ lên Hội đồng đạo đức quốc gia, Hội đồng đạo đức quốc gia đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3a đối với vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen. Tuy nhiên, ông Thuấn cho biết “vẫn còn 1 số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị cần phải giải quyết”. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, vaccine là một sản phẩm đặc biệt, không những ảnh hưởng tới một người mà còn liên quan tới cả cộng đồng và có thể nhiều thế hệ. Do đó, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Y tế chỉ đạo là nhanh chóng nhưng phải chặt chẽ, an toàn và hiệu quả. Vì thế, theo ông Thuấn, trên cơ sở kết luận của Hội đồng cấp phép, còn 3 nội dung mà Công ty Nanogen cũng như các đơn vị nghiên cứu phải hoàn thành. Thứ nhất, về tính an toàn, bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ đối tượng đã được tiêm ít nhất một liều vaccine tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng tới thời điểm hiện tại. Thứ hai, về tính sinh miễn dịch, bổ sung, cập nhật dữ liệu theo Đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng đạo đức thông qua, bao gồm bổ sung, cập nhật đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được ban hành. Về tính bảo vệ, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ tối thiểu trên 50% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. “Còn thời điểm mở mã sẽ do Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học thống nhất với đơn vị tài trợ”, ông Thuấn nói và cho biết vào đầu năm tới Việt Nam có thể tự chủ vaccine trong nước. Còn dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ có hơn 30 triệu liều vaccine về Việt Nam. Thông tin thêm về vấn đề “ngoại giao vaccine”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết, tiếp cận vaccine là mục tiên ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, còn kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề vaccine. Tuy nhiên việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu cũng khó khăn do nhu cầu vaccine quá lớn trong khi nguồn cung trên toàn cầu hiện cũng chưa đáp ứng được thực tế. Theo ông Vũ, ví như trong 6 tháng của năm 2021, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine thì thực tế mới sản xuất được 4,5 tỷ liều. Do đó khan hiếm vaccine diễn ra đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Tổ ngoại giao vaccine. Trong thời gian qua tổ này triển khai vận động ngoại giao quyết liệt khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương ở trong nước và ngoài nước để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất. Tổ đã triển khai theo 3 hướng như: cam kết theo hợp đồng mà Chính phủ ký với các hãng lớn; tranh thủ các mối quan hệ với đối tác thông qua các hình thức khác nhau; đẩy mạnh ký kết mua vaccine mới với các hãng lớn cũng như phối hợp nghiên cứu sản xuất. “Đến đầu tháng 8 chúng ta đã có 16,6 triệu liều, cuối tháng 8 là 33 triệu liệu. Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 có thể huy động hơn 30 triệu liều vaccine về nước. Và riêng tháng 9 sẽ có 16-17 triệu liều vaccine”, ông Vũ cho hay. Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành cần phải cố gắng hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch; trong đó, giãn cách xã hội là quyết định, thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|