Bão số 3 (Yagi) được coi là thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong 70 năm qua, gây thiệt hại lớn trên diện rộng với số tiền ước tính tới 81.500 tỷ, tác động mạnh tới tình hình kinh doanh của nhiều ngành, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ. Song, nếu nhìn ở góc độ “lửa thử vàng” - rủi ro đo năng lực các doanh nghiệp bảo hiểm, đây cũng là bài kiểm tra bất ngờ về khả năng chống đỡ với rủi ro.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 12, các công ty bảo hiểm đã chi trả và tạm ứng bồi thường gần 566 tỷ đồng cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, Bảo hiểm PVI - doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ - đã tạm ứng hơn 66 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại với mức tạm ứng chi trả lớn nhất đến 10 tỷ đồng cho Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal tại tỉnh Hải Dương, nơi nhà xưởng bị tốc mái nghiêm trọng, dẫn đến hư hại nhiều máy móc và làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương - Giám đốc Tài chính của Pacific Crystal - chia sẻ: “Khoản tạm ứng này là sự hỗ trợ rất tích cực, giúp chúng tôi có thể thanh toán tiền cho các nhà thầu sửa chữa nhà xưởng và máy móc, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho toàn thể cán bộ, công, nhân viên”. Động thái kịp thời này từ Bảo hiểm PVI đã giúp Pacific Crystal phục hồi 50% hoạt động sản xuất chỉ sau một thời gian ngắn và sớm trở lại guồng quay bình thường.
Để có được tốc độ chi trả nhanh chóng, Bảo hiểm PVI đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước khi bão đổ bộ. Công ty theo dõi sát sao dự báo thời tiết, đánh giá rủi ro tại các khu vực có nguy cơ cao. Các giám định viên của Bảo hiểm PVI đã được cử túc trực tại hiện trường, sẵn sàng triển khai kế hoạch ứng phó ngay khi bão tan. Bên cạnh đó, Bảo hiểm PVI cũng ký kết các hợp đồng nguyên tắc với những công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp còn hợp tác thường xuyên với nhiều chuyên gia chuyên ngành quốc tế, hỗ trợ về mặt kỹ thuật đánh giá thiệt hại và đưa ra các ý kiến tư vấn cho phương án khắc phục, phục hồi thiết bị máy móc công nghệ cao.
Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào, Bảo hiểm PVI vẫn có thể chủ động triển khai các phương án, phối hợp những bên liên quan nhằm xác định giá trị thiệt hại một cách nhanh chóng, chính xác, phục vụ cho công tác giải quyết bồi thường cho khách hàng.
Ông Dương Thanh Tùng - Trưởng ban Giải quyết Khiếu nại của Bảo hiểm PVI - cho biết: “Dù hợp đồng quy định xử lý trong vòng 15 ngày, nhiều trường hợp, chúng tôi đã phản ứng ngay ở 24 giờ đầu tiên, từ việc khảo sát hiện trường, lập phương án khắc phục đến tạm ứng bồi thường”.
Nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng và được tạm ứng chi trả bồi thường nhanh chóng, nhà máy sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam đã sớm khắc phục được thiệt hại sau bão.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc Tài chính Cấp cao khu vực miền Bắc của nhà máy - nhận định nếu không mua bảo hiểm, với những thiệt hại quá lớn cơn bão gây ra, nhà máy khó có thể quay trở lại sản xuất ngay, thay vào đó cần nhiều thời gian tìm nguồn lực tài chính hoặc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. “Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất khi yêu cầu bảo hiểm chính là lựa chọn đơn vị bảo hiểm và tư vấn chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường”, bà Hà cho biết thêm.
Tính đến cuối tháng 11, Bảo hiểm PVI đã tiếp nhận 784 vụ tổn thất tài sản do bão Yagi gây ra, trong đó có một vụ ghi nhận dự phòng đến hơn 1.000 tỷ đồng. Công tác tạm ứng vẫn đang được tích cực triển khai trong thời gian tới.
Tổng cộng, trên toàn thị trường ghi nhận 14.600 vụ tổn thất tài sản và bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của bảo hiểm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng các rủi ro thiên tai, bảo hiểm được xem như tấm lá chắn không thể thiếu cho những doanh nghiệp. Không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại tài chính, bảo hiểm còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế.