Bão và tình yêu…11/09/2024 - 15:34:00 Do tôi xem nhiều thông tin về bão lũ nên thuật toán mạng xã hội lại gom thêm đủ các hình ảnh thiên tai trong ngoài nước, hiện tại và quá khứ về đầy trang chủ. Nhưng có lẽ cảm giác nặng nề nhất vẫn là hàng loạt những tin nhắn kêu cứu của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục được chia sẻ trong tối 9/9.
Đơn cử một lời nhắn, được lồng trong khung đen, hoa văn làm nền là những hạt mưa xiên chéo: “Mọi người ơi cứu Tuy Lộc, Yên Bái với! Thanh Sơn nhà em không trụ nổi nữa rồi, toàn người già, trẻ nhỏ nữa. Đằng trước thì nước, sau thì đất sạt ạ. Ông bà em 80 tuổi rồi, đang phải ngồi trên nóc nhà giữa cơn mưa rào. Khẩn thiết cứu em với!”. Biết bao nhiêu người dân đang trong tình cảnh vô cùng cam go. Đó có thể là những tin nhắn cuối cùng trước khi điện thoại hết pin. Nước thì không ngừng dâng… May còn có những dòng tin tức cân bằng. Chẳng hạn bài báo mô tả 100 phút giữa đêm giải cứu hai mẹ con mắc kẹt trên tầng hai ở khu phố Kim Đồng, Yên Bái. Hàng xóm đã chờ sẵn, đưa họ về chăm sóc. Người mẹ chừng ngoài 70 nói: “Cứ nghĩ nước lớn cũng chỉ đến tầng một, ai ngờ ngập cả tầng hai. Cũng là kinh nghiệm, nước dâng cao thì cứ bỏ đồ mà chạy để bảo toàn tính mạng”. Đúng là “chẳng ai học được chữ ngờ”. Nhưng trường hợp sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ cũng không hẳn, vì tình trạng xấu của cầu đã được “ngờ” trước rồi. Dù mới được đưa vào sử dụng từ 1995 nhưng cây cầu này “đã nhiều lần được cảnh báo về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người dân”.
Hồi 2022 nhiều tờ báo phản ánh tình trạng bến bãi tập kết, vận chuyển cát ngang nhiên hoạt động dưới chân cầu trong nhiều năm, gây sạt lở bờ sông, làm suy yếu cầu… Tiến sĩ cầu hầm Nguyễn Nam Hà phân tích: “Cầu nằm ở vị trí dòng chảy chật hẹp. Vị trí trụ cầu giữa 2 nhịp bị sập nằm ở vị trí sâu nhất của dòng chảy. Chân móng trụ bị xói lở nghiêm trọng dẫn đến trôi trụ kéo theo 2 nhịp dàn thép bên trái”. Kết quả làm nhiều người choáng váng, dù chỉ xem trên clip. Một nạn nhân may mắn thoát chết mô tả: “Thấy ruỳnh ruỳnh đằng sau cứ nghĩ xe gì nặng tải thế. Cứ nghĩ là nhịp cầu nó ruỳnh thôi. Thế xong chưa kịp phản xạ quay lại, đã thấy (mình) ở dưới nước rồi”. Cầu rụng nhẹ như… chiếc lá vậy(!)
Ông Murphy làm trong ngành tên lửa ở Mỹ trong một lần gặp phải một thất bại hi hữu do xác suất xảy ra vô cùng ít đã tức cảnh thốt lên: “Cái gì mà có thể bị sai thì nó sẽ sai”. Từ đó chùm 14 định luật mang tên ông ra đời. Dù nó chỉ mang tính chủ quan và để tham khảo thôi nhưng vẫn có những điều khiến ta phải giật mình. Chẳng hạn định luật số 9: “Thiên nhiên luôn về phe những sai sót tiềm ẩn”. Những sai sót của con người chính là kẽ hở để thiên tai thị uy sức mạnh. Có những trường hợp sẽ không rõ như vụ cầu sập để có thể tìm ra người chịu trách nhiệm. Chẳng hạn chúng ta cứ mỗi người một tay phá trụi những cánh rừng, hay miệt mài lấn biển năm này qua năm khác… Đến lúc cần rừng để ngăn lũ, cần rừng ngập mặn hay những bãi cát trải dài để chắn sóng, tất cả đã không còn nữa. Chúng ta đã đặt thiên nhiên ở vị trí đối lập mất rồi. Một đồng nghiệp của tôi ở phương Nam mượn bài thơ của Lưu Quang Vũ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi thay tâm trạng sáng 10/9 đăng lên trang cá nhân. Bài thơ có những câu thật động chạm vào lúc này như “Người xa cách vẫn chung trời gió lộng” hay “Gió phương này thao thức phương kia”. Thực tế những tình nguyện viên phương xa đang đổ về rốn bão, rốn lũ hỗ trợ đồng bào bằng mọi cách có thể. Có những chiến sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ… Bão sẽ đi qua cho đến khi nó quay lại. Nhưng tình người chúng ta tin rằng lúc nào cũng ở đó. Theo Báo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|