Bất cập trong đánh giá xếp loại học sinh08/06/2023 - 16:11:00 Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh là một trong những nội dung quan trọng trong Thông tư 27 quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, vai trò của giáo viên - những người trực tiếp thực thi công tác đánh giá học sinh là rất lớn.
Băn khoăn về kết quả đánh giá Vừa qua, 35 hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) bị trả về vì không đủ điều kiện dự sơ tuyển nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi những hồ sơ này dù thừa điểm điều kiện dự tuyển nhưng lại không đạt vì trong học bạ 5 năm học tiểu học, học sinh có một môn nhận được đánh giá ở mức “hoàn thành” thay vì “hoàn thành tốt”. Đó là môn không chấm điểm như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục… Cũng liên quan đến môn học không chấm điểm là Âm nhạc, nhiều phụ huynh của Trường tiểu học Cù Chính Lan (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã làm đơn khiếu nại liên quan tới cách giảng dạy và đánh giá học sinh của cô N.Đ.T.B.T. giáo viên môn Âm nhạc của nhà trường. Cụ thể, năm học 2022-2023, trường có 10 em học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc mà cô giáo T. dạy. Trong đó, có một em thuộc diện rối loạn giảm chú ý nên trường đã xem xét điều chỉnh kết quả. Theo bà Phan Thị Hợp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, trong tuần này nhà trường sẽ tổ chức cho 9 học sinh chưa hoàn thành môn Âm nhạc ôn tập, kiểm tra và đánh giá lại. Theo Thông tư 27, đánh giá kết quả giáo dục cuối năm học của học sinh tiểu học được chia làm 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế ở hầu hết các trường tiểu học đều rất hiếm học sinh được đánh giá ở mức chưa hoàn thành, nhất là với những môn không chấm điểm. Tâm lý chung của nhiều giáo viên đây là những môn học không thi nên không “làm khó” học sinh. Còn phụ huynh cũng vì không thấy những môn này chấm điểm, cũng không có đề cương ôn tập cuối kỳ nên đôi khi cũng chủ quan không hướng dẫn con ở nhà. Chính vì vậy, khi biết con phải học lại, ôn tập thêm để thi lại trong dịp hè, một số phụ huynh thấy sốc và khó chấp nhận. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, trong học tập, việc học sinh giỏi môn Toán, môn Tiếng Việt và đạt hoàn thành, thậm chí chưa hoàn thành ở môn Thể dục là bình thường. “Chính nhiều người cũng băn khoăn về việc đánh giá các môn tích hợp ở bậc THCS vì một học sinh giỏi Vật Lý nhưng môn Sinh học, Hóa học lại ở mức bình thường thì đánh giá cuối kỳ thế nào? Một học sinh khác hoàn thành xuất sắc môn Âm nhạc nhưng Mỹ thuật chỉ ở mức hoàn thành thì xếp loại thế nào? Không thể yêu cầu tất cả mọi học sinh giỏi đều tất cả các môn” - ông Lâm nêu vấn đề. Quan tâm đánh giá năng lực, phẩm chất Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, giáo dục cần quan tâm và khuyến khích phát triển các trí thông minh của trẻ. Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần chấp nhận không có một đứa trẻ toàn diện mà là đứa trẻ được tạo điều kiện phát huy tốt nhất những khả năng của mình, thúc đẩy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực. Đó là vai trò của giáo dục thay vì cố gắng bắt một đứa trẻ phải xuất sắc ở mọi mặt, điều đó sẽ tạo ra áp lực cho trẻ và chính các bậc phụ huynh phải chạy đua với điểm số, với thành tích, với giấy khen… Nếu chấp nhận học sinh có em có thế mạnh ở lĩnh vực này, em nổi trội ở lĩnh vực khác sẽ hạn chế được tình trạng học thêm tràn lan, các em sẽ được dành thời gian để nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm những điều mình yêu thích, khám phá. Khi đánh giá, xếp loại là còn so sánh học sinh này với học sinh khác, phụ huynh còn mong muốn con là học sinh giỏi toàn diện, không chấp nhận những sơ sẩy, thậm chí đánh giá thực chất của giáo viên thì sẽ khó đạt được mục tiêu học thật, thi thật. Về phía nhà trường và giáo viên, để khuyến khích học sinh tiến bộ cũng cần có những thay đổi thực chất trong đánh giá, kiểm tra. Cụ thể, cần đổi mới các phương pháp đánh giá đa dạng từ quan sát; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; phương pháp vấn đáp, kiểm tra viết. Dù những môn học chấm điểm hay không chấm điểm cũng cần đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực. Đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Việc đánh giá học sinh cần chuyển dần từ hình thức đánh giá kiến thức, kỹ năng sang năng lực và phẩm chất người học. Và quan tâm nhất là chuyện dạy người như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: “Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|