Bầu cử thời Covid12/05/2021 - 08:39:00 Ảnh minh họa/INT
Trước đó, vào ngày 4/5, hơn 3.100 cử tri ở TP Vũng Tàu là cán bộ, chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và công nhân viên đang làm nhiệm vụ dài ngày trên biển vì không kịp trở về đúng ngày 23/5 nên đã bỏ phiếu sớm nhất cả nước để bầu ra người đại diện cho mình trong 5 năm tới. Ngay khi bỏ phiếu xong, nhiều các cán bộ, chiến sĩ đã lên tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 19 đi làm nhiệm vụ bầu cử sớm cho các nhà giàn DK1 và các tàu thực hiện nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền trên biển. Ngày 8/5, những cán bộ trên nhà giàn DK1/16 đã trở thành những cử tri đầu tiên bỏ phiếu trên biển… Trong đất liền những ngày này, các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước vào giai đoạn cao điểm của vận động bầu cử. Rất nhiều người trong số họ đã kịp “bỏ túi” kinh nghiệm xây dựng và trình bày chương trình hành động cũng như trang bị một vài kỹ năng quan trọng khác trước khi lên đường đi tiếp xúc cử tri. Không chỉ nói những điều cử tri quan tâm và muốn nghe, là chuyện cơm áo gạo tiền, liên quan mật thiết, sát sườn với đời sống của mình, nhiều ứng cử viên còn giúp cử tri nhận biết được những vấn đề hệ trọng và những ưu tiên của đất nước ở thời điểm hiện tại, từ đó khiến cử tri có ý thức chính trị, ý thức công dân tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động của cuộc bầu cử đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới. Bên cạnh phương thức tiếp xúc cử tri trực tiếp, nhiều cuộc đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến để bảo đảm cả an toàn phòng chống dịch và hiệu quả vận động bầu cử. Đây cũng là cơ hội để mỗi ứng cử viên “rèn luyện” kỹ năng làm chủ công nghệ, đồng thời thúc đẩy “Quốc hội điện tử” - với ý nghĩa cốt lõi là tăng hiệu quả kết nối và tương tác giữa đại biểu với cử tri của mình thông qua các ứng dụng công nghệ. Trong các chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho cuộc bầu cử. “Không thể để các địa điểm bầu cử thành nơi lây nhiễm dịch bệnh. Đây là yêu cầu bắt buộc!”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Không ai đoán được dịch bệnh Covid-19 diễn biến ra sao khi cuộc bầu cử diễn ra. Vì thế các địa phương đã và đang xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống có thể xảy ra và triển khai diễn tập để cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi, an toàn và thành công tốt đẹp. Ví dụ, UBND TP Đà Nẵng tổ chức diễn tập với 4 tình huống: Trong điểm bầu cử có cử tri bị sốt; Tổ bầu cử đến hộ dân đang cách ly tại nhà để cử tri bỏ phiếu bầu cử; Tổ bầu cử xuống khu đang cách ly phong tỏa để các cử tri bỏ phiếu bầu cử; Cử tri bỏ phiếu ở khu điều trị Covid-19. Từ buổi diễn tập, Đà Nẵng sẽ xây dựng video mẫu hướng dẫn bảo đảm y tế, phòng, chống dịch phục vụ bầu cử. Ứng dụng công nghệ 4.0, UBND Quận 12 TPHCM đã ra mắt chuyên trang về bầu cử, ở đó cử tri có thể tra cứu đường đi đến điểm bỏ phiếu, liên hệ phản ánh đến tổ trưởng tổ bầu cử, nghe đọc thông tin bầu cử bằng phần mềm robot... Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và sự thích ứng đầy chủ động với điều kiện mới của các địa phương là một tín hiệu cho thấy cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp. Theo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|