Bẫy tìm việc trên mạng xã hội: Thêm chiêu trò lừa đảo mới09/09/2023 - 16:41:00 Thời gian gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm tuyển lắp ráp bút bi tại nhà thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Các đối tượng giả mạo các thương hiệu rồi dùng tài khoản ảo lôi kéo khiến nhiều người mắc bẫy…
Kịch bản việc nhẹ - lương cao Theo đó, thời gian qua trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các bài đăng tuyển nhân viên làm việc lắp ráp bút bi tại nhà. Không chỉ đăng bài trên các hội nhóm tìm việc, các đối tượng cũng sẵn sàng mua lại các nhóm kín với số lượng thành viên lớn để đăng tuyển. Đối tượng hướng đến của hành vi lừa đảo này là học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa, những người làm việc tự do tại nhà,… muốn kiếm thêm thu nhập. Những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: “Ngày có thể kiếm 200-300 ngàn đồng tùy theo số lượng nhận làm, không yêu cầu trình độ tay nghề cao, công việc dễ dàng; Hàng giao tận nhà, làm xong có nhân viên đến thu hàng rồi trả công tại nhà...”, được các đối tượng sử dụng để dẫn dụ nạn nhân. Sau khi đăng tin trên Facebook/Fanpage để tuyển dụng công việc gia công lắp ráp bút bi tại nhà và nạn nhân bắt đầu liên hệ, các đối tượng này tự xưng là nhân viên của Tập đoàn Thiên Long, cam kết gửi hàng cho cá nhân để gia công và không thu phí vận chuyển. Tuy nhiên yêu cầu cá nhân tham gia chương trình tương tác gồm nhiều cấp bậc. Ở những cấp bậc ban đầu, cá nhân không phải đóng phí, tham gia và được chuyển tiền hoa hồng ngay sau khi tương tác. Đến các bước sau, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển khoản để hưởng khoản hoa hồng. Khi số tiền chuyển cho đối tượng đủ lớn thì đối tượng biến mất, không tiếp tục tương tác hoặc đối tượng yêu cầu chuyển số tiền cao hơn, nếu không gửi bổ sung sẽ mất toàn bộ số tiền đã chuyển khoản. Nhiều nạn nhân cho biết họ bị lừa từ vài triệu đồng đến khoảng 50 triệu đồng. Chỉ là lừa đảo Tập đoàn Thiên Long cho biết, thời gian gần đây, công ty này liên tục nhận được thông tin phản ánh từ các cá nhân bị lừa đảo dưới hình thức đặt cọc nhận hàng gia công, tham gia các chương trình do Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Trước tình trạng này, Tập đoàn Thiên Long đã nhiều lần phát đi cảnh báo: “Hình thức mạo danh nhân viên Tập đoàn Thiên Long thực tế đã tồn tại từ nhiều năm, tuy nhiên trong năm 2023, chúng tôi nhận thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng với giá trị lừa đảo cao”, thông báo của Tập đoàn Thiên Long nêu rõ. Tập đoàn này cũng khẳng định, thực chất, đây không phải là hình thức tuyển nhân viên để làm việc mà chỉ là hành vi lừa đảo từ các đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook. Thiên Long cũng đã đưa ra cảnh báo tới số đông người dân trên các phương tiện truyền thông trực thuộc quản lý, nhằm nâng cao cảnh giác, bảo vệ bản thân: Thiên Long không có bất kỳ thông báo tìm kiếm đối tác hay tuyển nhân viên gia công lắp ráp bút bi trên bất kỳ trang mạng xã hội nào. Tất cả hoạt động sản xuất của Thiên Long đều nằm trong khuôn viên nhà máy. Tuyệt đối không thực hiện theo hướng dẫn từ các thông tin tìm kiếm đối tác hay tuyển nhân viên gia công lắp ráp bút bi trên các trang mạng, mạng xã hội không chính thống. Trong trường hợp bị các đối tượng lừa đảo, người bị lừa cần liên lạc và tố cáo vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến về số lượng. Cụ thể trong sáu tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với sáu tháng cuối năm 2022. Không những thế, các hình thức, chiêu trò lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý mong muốn tìm việc làm nhanh, người dùng không nhận diện được hành vi lừa đảo sẽ rơi vào bẫy được dàn dựng rất chuyên nghiệp. Chuyên gia cho biết, mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện đang có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp hay những người có nhu cầu kiếm việc làm online… với những cách thức biến tướng không ngừng, khó lường. Kẻ xấu thường dùng ứng dụng Telegram để liên lạc với các nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo vì tính bảo mật, dễ dùng và ẩn danh tốt của Telegram. Chưa kể các đối tượng đa phần dùng Cloud (đám mây điện toán) ở nước ngoài để làm hạ tầng lừa đảo. Nguyên nhân nữa là nguồn thông tin của người dân dễ dàng có thể mua hoặc tìm thấy nên hoạt động lừa đảo một ai đó là điều không khó. Do vậy, người dân cần đặc biệt cảnh giác với những thông tin tuyển dụng dạng “việc nhẹ, lương cao”. Bản thân mỗi người phải trang bị đầy đủ các kiến thức, phải hiểu rõ rằng không có khái niệm làm việc nhẹ mà có lương cao, hoa hồng ngất ngưởng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tình trạng này, khuyến khích họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết ra các đối tượng lừa đảo. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|