Bệnh án điện tử: Bước tiến mới trong cải cách y tế13/11/2024 - 10:23:00 Trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế đã mang lại những thay đổi tích cực, đặc biệt là trong việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử.
Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn giúp giảm thiểu thời gian và chi phí, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, bác sỹ, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh. Lợi nhiều điều Bệnh án điện tử giúp người bệnh không cần mang theo bất kỳ giấy tờ nào khi đi khám chữa bệnh, bao gồm kết quả chẩn đoán, xét nghiệm hay danh mục thuốc.
Việc này giúp bệnh nhân không phải lo lắng về việc mất kết quả xét nghiệm hay khó khăn trong việc đọc chữ viết tay của bác sỹ. Hơn nữa, bệnh án điện tử còn giúp bệnh nhân dễ dàng theo dõi, so sánh các chỉ số xét nghiệm và kết quả khám sức khỏe định kỳ. Kết hợp với hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong việc tự quản lý thông tin sức khỏe suốt đời, từ tiền sử gia đình, bệnh lý đến dị ứng thuốc. Điều này giúp bệnh nhân chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cá nhân. Tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống bệnh án điện tử đã được triển khai từ tháng 11/2024. Các bệnh nhân cũng như bác sỹ đều cảm thấy hài lòng với sự thuận tiện và nhanh chóng mà hệ thống này mang lại. Theo đó, người bệnh chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân cơ bản và cả bệnh sử đều hiển thị, nhanh chóng được phân luồng, thuận tiện thăm khám. Trước khi vào viện, có người đã xác định tâm lý phải chờ đợi, thủ tục khám chữa bệnh kéo dài, thậm chí cả ngày, nhưng thực tế nằm ngoài kỳ vọng. Mọi thứ rất nhanh, thuận tiện, chỉ khoảng 2 giờ từ thủ tục đến các chỉ định thủ thuật xét nghiệm, chụp chiếu và sau cùng là kết quả đã hoàn thiện. Gần như tất cả các công đoạn đều làm thông qua công nghệ số. Thanh toán chi phí tại phòng khám, không phải di chuyển khắp nơi nộp tiền. Sau khi làm các thủ thuật, quay lại phòng khám các bác sỹ đã có thể đọc kết quả trên máy. Giảm thiểu di chuyển và thất lạc giấy tờ. Chăm người nhà điều trị nội trú tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, một người dân ở Quảng Ninh cũng bày tỏ hài lòng với việc trải nghiệm bệnh án điện tử. Theo ông, mọi thủ tục cũng như các chỉ định, pháp đồ điều trị, đơn thuốc đều có thể xác nhận và xem trên máy tính bảng, hoặc điện thoại cá nhân. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, song được các y bác sỹ, điều dưỡng hướng dẫn tôi thấy dễ sử dụng và khá thuận tiện. Thậm chí không chỉ mình bác, mà các con bác cũng đều có thể xem, theo dõi được quá trình điều trị của mẹ. Hệ thống bệnh án điện tử không chỉ giúp bác sỹ truy cập nhanh chóng thông tin bệnh nhân mà còn giúp tăng cường khả năng giao tiếp và tương tác giữa các khoa phòng trong bệnh viện. Điều này tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, giảm thiểu thời gian chờ đợi và giảm sự trùng lặp trong các xét nghiệm, giúp việc chẩn đoán và điều trị trở nên chính xác và kịp thời hơn. PGS-TS.Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với việc áp dụng chuyển đổi số, bệnh án điện tử, thủ tục hành chính không mất nhiều thời gian, các bác sỹ có thể nhanh chóng thăm khám. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa phòng liên quan đều nhận được thông tin, người bệnh chỉ cần di chuyển đến những vị trí theo chỉ định để được triển khai. Kết quả trả về cho A9 cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi bệnh nhân quay lại phòng khám. Người bệnh được chụp lát cắt nào, ngay lập tức chúng tôi nhận được hình ảnh đó trên máy tính của Trung tâm và có thể chẩn đoán luôn. Với những ca bệnh khó, có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian. Nếu người bệnh cần phải chuyển tiếp đến các khoa điều trị, cũng chỉ cần thao tác trên phần mềm là có thể được tiếp nhận ngay lập tức với đầy đủ thông tin, thay vì phải đợi bệnh án giấy hàng trăm trang chuyển sang bàn giao. Có thể nói, công tác chuyển đổi số, bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai đã được áp dụng toàn diện từ khâu tiếp nhận, khai thác thông tin bệnh sử, phân luồng đến chỉ định thăm khám, thực hiện các chỉ định, đọc kết quả, xử lý, điều trị bệnh, thanh toán và thủ tục vào, ra, chuyển viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, việc triển khai bệnh án điện tử đã giúp bệnh viện này tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể. Bác sỹ Lý Việt Hải, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết, việc áp dụng bệnh án điện tử giúp chúng tôi dễ dàng truy cập kết quả xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán mà không cần in phim hay giấy tờ. Điều này giảm đáng kể thời gian chờ đợi và sai sót. Còn theo bác sỹ Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng khoa Nhi, bệnh án điện tử, bác sỹ có thể nhanh chóng tìm thấy thông tin của bệnh nhân và cập nhật các dữ liệu mới. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả bác sỹ và bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu sai sót y khoa. Đẩy nhanh tiến độ triển khai tại các cơ sở y tế Bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở khám chữa bệnh. Việc lưu trữ thông tin bệnh án dưới dạng số hóa giúp tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí duy trì hồ sơ giấy. Bệnh án điện tử là một bước tiến quan trọng trong công tác cải cách y tế và chuyển đổi số tại Việt Nam. Hệ thống này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, tạo ra sự thuận tiện cho bệnh nhân và bác sỹ. Khi được triển khai rộng rãi và đồng bộ, bệnh án điện tử sẽ giúp ngành Y tế Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm nguồn lực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử tại các bệnh viện hiện còn chậm. Liên quan đến bệnh án điện tử, theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử. Tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Theo một chuyên gia, hiện nay việc triển khai bệnh án điện tử gặp nhiều khó khăn cả về tài chính và hướng dẫn triển khai. Hiện nay, các bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện như các phần mềm HIS quản lý bệnh nhân, phần mềm liên thông bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, để triển khai bệnh án điện tử còn cần thêm nhiều phần mềm khác như phần mềm liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả xét nghiệm máu… Để tăng tốc việc thực hiện bệnh án điện tử, vừa qua Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã ký ban hành công văn về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chuyển đổi số là một nhiệm vụ chính trị. Toàn ngành phải đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 12 năm 2019 của Bộ trưởng Y tế về đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trong ngành y phải ưu tiên kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Đồng thời dành tối thiểu 1% các nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị để chi cho ứng dụng công nghệ thông tin theo Chỉ thị số 02 năm 2009 của Bộ trưởng Y tế về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành y tế. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46 năm 2018 của Bộ Y tế; triển khai y tế từ xa theo quy định tại Thông tư số 49 năm 2017; triển khai đơn thuốc điện tử theo các hướng dẫn đã ban hành. Ngoài ra, cần triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám chữa bệnh. Việc triển khai phần mềm bệnh án điện tử sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, cho các giám đốc trong quản lý bệnh viện. Đồng thời, sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh. Theo Đầu Tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|