tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Biến đổi khí hậu và “phép thử” từ siêu bão Yagi

Chia sẻ: 

17/10/2024 - 16:21:00


Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành khái niệm quen thuộc với người dân khi những đợt nắng nóng, mưa lớn, hạn hán, nước biển dâng... diễn ra không theo quy luật, phức tạp, khó dự đoán và khốc liệt ở nhiều địa phương.

Siêu bão Yagi cùng với đợt lũ lụt khủng khiếp vừa xảy ra đầu tháng 9 ở các tỉnh phía Bắc là hồi chuông cảnh báo nghiêm túc không chỉ cho các cơ quan chức năng mà cả với mỗi người dân nhằm có thể thích ứng, sống chung, qua đó giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra trong quá trình phát triển đời sống kinh tế - xã hội, đô thị.

song-hong.jpg
Siêu bão Yagi gây úng ngập nặng nề tại nhiều khu vực của Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ảnh: Đình Huy

Sau một cơn siêu bão

Đã hơn 1 tháng kể từ khi siêu bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta kèm theo mưa lớn, nhưng với nhiều người, nó như mới diễn ra hôm qua. Những tưởng sau khi tràn qua Philippines, cơn bão này suy yếu và sẽ tan. Nhưng không, khi vào Biển Đông, gặp vùng nước biển nóng ở đây, nó đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành cơn bão có sức gió mạnh nhất châu Á và thứ hai thế giới tính trong 9 tháng đầu năm 2024.

Không chỉ có sức gió lớn khi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng mà cơn bão này còn di chuyển rất chậm. Nhiều người dân Hà Nội cũng thực sự bất ngờ khi chứng kiến tâm bão đổ bộ vào Thủ đô, khiến hàng vạn cây xanh bị quật đổ nằm la liệt, phải mất hàng tuần mới có thể thu dọn, xử lý. Không chỉ bất ngờ về sức gió, sau đó, mưa lớn do hoàn lưu của bão đã gây mưa khiến lũ lụt, sạt lở đất diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên...

Tại Hà Nội, mực nước các sông cũng tăng cao kỷ lục. Mực nước sông Hồng và sông Đuống đã có lúc lên xấp xỉ mức báo động 3 (11,5m)...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão Yagi và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục nhằm giảm tối đa thiệt hại do bão lũ.

Đó là: Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, khiến người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn nên dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo... chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhà bị tốc mái, cây gãy đổ nhiều. Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác trong phạm vi hẹp, đặc biệt là về lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế. Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, chỉ đạo ứng phó. Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài trên diện rộng do quá trình đô thị hóa làm ảnh hưởng tới khả năng lưu thoát của các tuyến sông. Công tác lồng ghép phòng, chống thiên tai vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình cũng chưa được thực hiện tốt nên còn nguy cơ xảy ra sự cố khi có thiên tai...

Rõ ràng, siêu bão Yagi đã cho chúng ta những bài học để phát triển hài hòa với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm chủ động hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai.

song-hong-1.jpg
Phố Phúc Tân ngập sâu, nhiều gia đình phải thuê thuyền đưa người và đồ đạc giá trị đến nơi an toàn khi Hà Nội chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Nga

Triển khai quy hoạch hợp lý, phù hợp hơn với thực tiễn

Thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường mà siêu bão Yagi kèm theo mưa lũ sau đó là một minh chứng. Cách đây 20 năm, khi mới bước chân vào nghề báo, người viết đã được tiếp cận với khái niệm “tần suất lũ”, nhưng đến đợt lũ lụt lịch sử vừa rồi thì mới có trải nghiệm thực tế.

Theo đó, khi tính toán cấp đê, mức độ thoát lũ, các chuyên gia có tính đến tần suất hàng chục, thậm chí cho cả trăm năm mới xảy ra lũ lớn một lần để giảm tối đa thiệt hại, thậm chí là thảm họa do thiên tai. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt lũ lụt vừa qua có quy mô lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình và là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông.

Đúng là với hệ thống hồ thủy điện hiện có, trong hàng chục năm qua, hệ thống các sông ở phía Bắc khá hiền hòa và ổn định, hầu như hiếm khi nước dâng đến mực nước báo động. Vậy mà, 53 năm sau, một trận lũ khủng khiếp ùa tới, khiến người người lo lắng. Một trong những nguyên nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra là nhiều bãi sông đã bị lấn chiếm để xây dựng công trình, nhà xưởng nên đã cản trở khả năng lưu thoát. Đúng là tần suất lũ không ai có thể tính chính xác mà chỉ có nghĩ xa để chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu quá cẩn trọng và sợ hãi trước thiên nhiên cũng sẽ làm mất đi cơ hội, tiềm năng phát triển của các địa phương. Chẳng nói đâu xa, ngay với Hà Nội, nhiều khu vực bãi sông có tiềm năng phát triển lớn, có cao độ cao, nhưng không thể quy hoạch phát triển vì nằm trong hành lang thoát lũ. Đây là vấn đề “hóc búa”, gây ra những trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Ngày 25-3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/2022/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo đó, quy mô nghiên cứu diện tích đất khoảng 10.996ha nằm trên địa bàn 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới, không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ; không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016...

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28-6-2024 và có hiệu lực từ 1-1-2025 cũng nhấn mạnh tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy. Đây được xem là cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng đất bãi sông mà vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống lũ lụt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Và có thể thấy, trận lũ lụt vừa qua chính là một “phép thử” giúp việc triển khai quy hoạch hợp lý, phù hợp hơn với thực tiễn và cả với “tần suất lũ” 50 năm. Về phía chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, sau đợt lũ lụt vừa qua, các bộ, ngành cần rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành bảo đảm an toàn trước thiên tai. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tại vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Phát triển không gian đô thị chủ động nhưng cần có sự hài hòa, hợp lý.

Hà Nội đang triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Kết luận lưu ý về sự cần thiết chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng là biểu tượng phát triển mới của Thủ đô. Những “đề bài”, “phép thử” từ thực tiễn chắc hẳn sẽ giúp các cơ quan chức năng có thêm dữ liệu đầu vào, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để phát huy tối đa tiềm năng mà vẫn chủ động thích ứng, phát triển hài hòa với thiên nhiên, hạn chế thiệt hại mà thiên tai, biến đổi khí hậu có thể gây ra.

Theo Hà Nội Mới
Ý kiến bạn đọc
captcha
Tin cùng chuyên mục
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 22/11/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV