Cụ thể, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định 2080/QĐ-BCT Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 3/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (trừ khi được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo quy định của pháp luật).
Theo đó, các đơn vị hải quan nghiên cứu kỹ và thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng bản gốc của nhà sản suất (giấy chứng nhận nhà sản xuất) theo Quyết định 2080/QĐ-BCT để hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng thuế CBPG tạm thời.
Đối với trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS theo mã G129 tương ứng mức thuế CBPG là 54,90%.
Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ không phải là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hoặc Malaysia thì không phải nộp thuế CBPG, người khai hải quan khai trên tờ khai nhập khẩu tại chỉ tiêu 1.95 mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác theo bảng mã đối tượng không chịu thuế CBPG đã được đăng tải trên website của cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hoặc Malaysia nhưng không nộp được bản gốc giấy chứng nhận nhà sản xuất hoặc nộp được giấy chứng nhận nhà sản xuất nhưng tên nhà sản xuất trên giấy chứng nhận không trùng với tên nhà sản xuất nêu Quyết định 2080/QĐ-BCT thì thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS.
Ngoài ra, chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Trung Quốc tương ứng mức thuế CBPG là 17,45%; Ấn Độ tương ứng mức thuế CBPG là 54,90%; Indonesia tương ứng mức thuế CBPG là 21,94%; Malaysia tương ứng mức thuế CBPG 21,23%.
Trong cùng diễn biến, tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ở mức từ 39,63 đến 68,50% sau khi đã dựa trên kết quả tính toán cụ thể.
Được biết, Sorbitol được dùng trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, dược phẩm, hóa phẩm cho đến thực phẩm.
Mức thuế tạm thời nói trên được áp dụng trong bối cảnh vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý 3/2021 sau hơn 7 tháng điều tra sơ bộ, tính từ tháng 12/2020.
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình điều tra, Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, cũng như mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Tác động của việc bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu cũng đã được xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm sorbitol trong nước.
Kết quả điều tra cho thấy lượng nhập khẩu sorbitol bị bán phá giá đã tăng trong giai đoạn từ 1/4/2017 đến 31/3/2020.
Đây chính là nguyên nhân chính gây ra sức ép đáng kể cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như sản lượng; hiệu suất sử dụng công suất, tồn kho, thị phần, lượng bán hàng, doanh thu bán hàng trong nước, lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận trên tài sản, khả năng huy động vốn, dòng tiền...
Các chỉ số này khi đánh giá, xem xét từ các số liệu ở các doanh nghiệp trong nước đều cho thấy "xu hướng suy giảm rõ rệt so với thời gian trước đó" như kết luận ban đầu của Bộ Công Thương công bố.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định 1578, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Các loại mía đường nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Bộ Công Thương cho biết, quyết định này có thời hạn 5 năm, hiệu lực từ ngày 16/6. Trước đó, kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra xác định một số sản phẩm mía đường Thái có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), UKVFTA…
Trong cùng thời gian, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức buổi tham vấn công khai (hình thức trực tuyến) với sự tham gia của 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội của Thái Lan và Việt Nam. Tại buổi tham vấn, đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng ngành mía đường Thái Lan được Chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỉ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào nên khi vào Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành nên kiến nghị việc áp thuế.
Diệu Hương