Bộ Công Thương gửi kiến nghị tháo gỡ sản xuất '3 tại chỗ'07/08/2021 - 20:39:00 Bộ Công Thương dẫn kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cần bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ "3 tại chỗ", trong đó có điều kiện để lao động được về nhà.
Bộ Công Thương vừa gửi tới Bộ Y tế và các bên liên quan văn bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch. Trong đó có nhiều kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn trong triển khai "3 tại chỗ" - nghĩa là ăn, ngủ và làm việc tại chỗ. Theo nhận định, sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, chi phí thực hiện, quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ... Cần có quy định với lao động được về nhàDo đó, ngoài các quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Công Thương tổng hợp góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn. Theo đó, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, không nhất thiết phải ở tại doanh nghiệp. Yêu cầu khi đó là cần có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp. Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia “3 tại chỗ”. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp. Nếu trường hợp có ca bệnh xuất hiện trong nhà máy, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc. Bộ Công Thương cho biết doanh nghiệp đề xuất bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch. Trong số những đề xuất còn mong muốn có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh). Việc cho phép hoạt động tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp. Thay vì tháo gỡ, địa phương lại dừng "3 tại chỗ"Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, khi một địa phương nào đó quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định. Việc này tránh tình trạng khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện "3 tại chỗ" làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai. Về vấn đề vaccine, Bộ Công Thương dẫn kiến nghị cho rằng cần đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Trong nhóm doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm... Bộ cũng đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có thể bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất. Trước đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi trao đổi trực tuyến với các hiệp hội và doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo để lắng nghe, tiếp thu ý kiến tìm ra giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. "3 tại chỗ" là phương án sản xuất đang được một số địa phương áp dụng trong điều kiện dịch bệnh, nghĩa là "ăn, ngủ và làm việc tại chỗ". Tuy nhiên, ở nhiều địa phương phía Nam, phương án sản xuất này dần bộc lộ nhiều bất cập về chi phí, thời gian kéo dài, tâm lý của công nhân. Một số nơi đã xuất hiện ca bệnh trong nhà máy áp dụng "3 tại chỗ", biến nhà máy có thể thành ổ dịch. Một số địa phương đã dừng sản xuất "3 tại chỗ" như Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) và tỉnh Tiền Giang. Với mô hình "3 tại chỗ", Phó thủ tướng khẳng định đây là biện pháp mạnh và chỉ mang tính chất ngắn hạn. Ông cũng cho rằng không áp dụng máy móc sản xuất "3 tại chỗ" ở phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Phó thủ tướng đề nghị thành phố phân loại các nhà máy theo 3 nhóm: Buộc phải duy trì sản xuất; cần duy trì sản xuất; và khuyến khích duy trì sản xuất. Theo Zing
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|