Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo tiền đề để các địa phương có thể xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor
Ngày 12/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Quảng Ngãi cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định công nhận nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor (Quảng Ngãi) tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu từ hàng ngàn năm trước, được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc Cor.
Cây nêu của người Cor thường có 3 loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau. Nhưng cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày Tết ngã rạ (cao khoảng 10 - 15 m).
|
Nghi thức trong lễ hội của đồng bào Cor bên cây nêu. (Ảnh: Hoàng Tâm/Báo Văn hoá) |
Phần thân cây nêu được trang trí hoa văn 2 màu đen, đỏ tượng trưng cho trời và đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ.
Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc. Cùng với bộ Gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.
Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Có những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu. Nghi lễ dựng cây nêu chỉ có ở người Cor. Đó chính là di sản văn hóa được tôn vinh từ năm 2015.
Tri thức may và mặc áo dài Huế
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông Phan Thanh Hải cho biết, đây chính là thành quả của công tác triển khai Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” với mực tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế và là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.
Các nghệ nhân và thợ may áo dài chăm chút từng công đoạn như cắt, may, luôn tà, và làm nút, biến chiếc áo dài thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng giá trị văn hóa Huế. (Nguồn: Người Hà Nội) |
Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo.
Áo dài Huế hình thành từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Đàng Trong. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình.
Chiếc áo dài Huế được thêu may tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những con người xứ Huế. Từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa, tinh thần độc đáo không thể thiếu cho những ai mỗi khi đến Huế.
Trong các kỳ Festival Huế, không thể không nhắc đến Lễ hội áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội. Đến với lễ hội áo dài, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng. Ở đó, tà áo dài của người phụ nữ Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung, từ quốc phục được biến hóa qua bàn tay tài năng của người nghệ sĩ để trở thành những bộ sưu tập mang dáng vẻ cổ kính đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo ông Phan Thanh Hải, hiện nay, áo dài Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.
Việc công nhận này là điều kiện, cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” để đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai
Làng Tiếu Mai xưa, tức làng Mai ngày nay có cách đây 1.500 năm, là một làng Việt cổ nằm kề bên bờ Bắc sông Cầu (Như Nguyệt). Làng Tiếu Mai ngày nay bao gồm 3 thôn: Mai Thượng, Mai Trung và Thắng Lợi. Người già trong làng kể rằng, khi giặc Tống đến xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt dựng lên chiến tuyến sông Như Nguyệt để ngăn chặn quân thù.
Những ngày đó, dân làng Tiếu Mai thường xuyên dùng thuyền vận chuyển giúp đỡ quân Lý Thường Kiệt qua sông tạo thế bất ngờ đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt vào ngày 17/2/1077, quân Tống thất bại nặng nề khiến cho chúng "bạt vía kinh hồn" phải rút quân về nước.
Những cái tên như ngã ba sông Xà, gò Xác, nghè Ngũ Giáp đã trở thành địa danh lịch sử. Tại ngã ba Xà, điểm hội tụ giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà - bản Tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam.