Bức điện phát lên không trung từ sân bay Gia Lâm sau ngày tiếp quản Thủ đô07/10/2024 - 08:20:00 Từ sân bay Gia Lâm một bức điện được phát lên không trung, trong đó khẳng định: "Tất cả các máy bay muốn ra vào miền Bắc Việt Nam phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà"...
Ngày 10/10/1954, Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô. Không khí náo nức bao trùm lên khắp phố phường, nhưng ở bên kia, phía bắc sông Hồng có những đơn vị đang phải đấu tranh để tiếp quản sân bay Gia Lâm, một trong những sân bay lớn nhất khu vực Viễn đông ngày ấy. Đúng kế hoạch, 10 giờ sáng, bộ đội ta tiến vào tiếp quản các vị trí. Cờ đỏ sao vàng nhanh chóng được kéo lên nóc đài chỉ huy, báo hiệu sân bay Gia Lâm đã thuộc về ta và đó cũng là thời điểm mở đầu cho cuộc đấu tranh để gìn giữ tài sản và làm chủ kỹ thuật sân bay. Theo quy định, sĩ quan và nhân viên của không quân Pháp được tạm thời ở lại cho đến ngày cuối cùng của năm 1954 để thực hiện công tác kỹ thuật phục vụ các chuyến bay của Uỷ Ban giám sát quốc tế về việc thi hành hiệp định Geneva. Với ta, phải tranh thủ khoảng thời gian này để nắm bắt công tác điều hành sân bay, một việc làm hết sức mới mẻ. Công việc này được giao cho các đồng chí Hà Đổng, Nguyễn Đức Việt, Đoàn Mạnh Nghi…. những người ở trong Ban nghiên cứu không quân, đã được tiếp xúc với kỹ thuật hàng không từ trước. Tất cả đều nêu quyết tâm làm chủ kỹ thuật, giúp sân bay hoạt động ngay từ khi nhận bàn giao từ tay người Pháp. Phá vỡ âm mưu biến cảng hàng không Gia Lâm thành một sân bay chết Theo điều khoản của Hiệp định, quân đội Pháp phải bàn giao lại toàn bộ phương tiện máy móc thuộc ngành hàng không dân dụng để bảo đảm hoạt động bình thường cho sân bay. Thế nhưng, với âm mưu biến cảng hàng không Gia Lâm thành một sân bay chết, phía Pháp đã phá dỡ hầu hết những trang thiết bị quan trọng. Khi bàn giao, viên quan hai của Pháp đưa ta đến một đống máy trong đó chỉ có chiếc vô tuyến điện cũ, một súng bắn pháo hiệu đã hoen nòng và một số máy móc như vừa bới từ đống sắt vụn ra. “Thế còn dụng cụ sửa chữa và phụ tùng thay thế đâu?”, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Cục phó Cục 2, người phụ trách tổ tiếp quản hỏi. Viên quan hai trả lời không biết. Yêu cầu nộp sơ đồ đường điện của sân bay thì hắn lại trả lời không rõ nó ở đâu. Khi đồng chí Hà Đổng cầm ống nhòm xem qua rồi nói: “Thứ này chỉ dùng đi xem hát, chứ không phải quan sát dẫn bay” khiến viên quan hai ngượng đỏ cả mặt. Hắn hết sức bối rối, vì sao những con người chưa từng tiếp xúc với kỹ thuật hàng không lại nắm rõ như thế? Và lại càng lúng túng hơn khi ta đưa ra bản liệt kê máy móc với vị trí của nó và thời điểm bị tháo dỡ mang đi. Đó là bản danh sách thiết bị mà anh em người Việt làm tại sân bay cung cấp cho ta. Ngay trong ngày tiếp quản, các bộ phận như quản lý đường bay, khí tượng, thông tin… được thành lập. Lớp học ngắn ngày về chỉ huy bay được tổ chức, giáo viên là cán bộ trong Ban nghiên cứu không quân. Ngoài việc học những điều sơ đẳng về hàng không, anh em tranh thủ theo dõi thao tác của các nhân viên Pháp để nắm bắt kỹ thuật. Ngày đầu tiên đồng chí Hà Đổng đưa học viên lên đài chỉ huy liền bị viên sĩ quan Pháp ngăn lại: “Thưa thiếu tá, chúng tôi được lệnh không cho phép những người ngoài phận sự lên đài”. “Tôi hỏi các anh, ai là chủ của sân bay này?”, đồng chí Hà Đổng hỏi lại trong nét mặt căng thẳng khiến viên sĩ quan Pháp phải phục tùng. Khi ở trên đài anh em cố theo dõi, ghi chép các động tác chỉ huy. Được ta tiếp cận, cảm hoá, nên một số nhân viên Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ tìm hiểu thêm các loại máy móc chuyên dùng và kỹ thuật điều hành cất hạ cánh. Cùng với quá trình tự học và học hỏi qua nhân viên kỹ thuật của không quân Pháp, tháng 12 năm 1954, thực hiện hiệp định giữa hai nước, Chính phủ Trung Quốc đã cử 70 chuyên gia hàng không thuộc các ngành điều phái, khí tượng, dẫn đường, cơ vụ, thông tin… mang theo một số máy móc, phương tiện hàng không sang giúp ta. Trong buổi gặp mặt thân mật đoàn chuyên gia bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn cán bộ Việt Nam phải nhanh chóng nắm vững khoa học kỹ thuật để các đồng chí Trung Quốc có thể về nước sớm. Thực hiện chỉ thị của Bác, gần 200 cán bộ, chiến sĩ của sân bay ra sức củng cố tổ chức, tiếp thu bảo quản cơ sở vật chất, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn, mở nhiều lớp học ngắn ngày về nghiệp vụ hàng không. Với lòng nhiệt tình và tinh thần hăng say học tập, anh em đã nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức bản về điều hành, quản lý sân bay, dần đáp ứng được vị trí công tác... Ngoài giờ học tập, công tác rà phá bom mìn, thu dọn xác máy bay, tháo dỡ dây thép gai, phế liệu quanh sân bay được tiến hành thường xuyên, dần mang lại bộ mặt mới cho sân bay. Thời khắc chờ đợi đã đến, đêm 31/12/1954, cán bộ chiến sĩ ta bám sát vị trí, chờ giờ phút chuyển giao kỹ thuật từ người Pháp. 23 giờ 40 phút nghi lễ bàn giao kết thúc, chiếc DC - 3 cất cánh đưa những người Pháp cuối cùng rời khỏi sân bay Gia Lâm. Rất nhanh chóng, theo nhiệm vụ đã được phân công, mọi người chiếm lĩnh vị trí công tác. Từ sân bay Gia Lâm một bức điện được phát lên không trung "Kể từ 0 giờ ngày 1/1/1955, theo giờ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn ra vào miền Bắc Việt Nam phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà". Tiếp đó, đài chỉ chuẩn của sân bay phát thông báo bộ chữ tín hiệu HN (Hà Nội), thay cho bộ chữ F2Y mà người Pháp đặt truớc đây. Một ngày sau khi tiếp quản, trưa 2/1/1955, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Việt, đài chỉ huy sân bay đã dẫn đường cho chiếc B - 307 của Air France chở đoàn nhân viên Uỷ ban giám sát quốc tế hạ cánh an toàn trước sự ngạc nhiên của phi hành đoàn và những người trên chuyến bay. Sự kiện trên là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của hàng không Việt Nam. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|