Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Cả nước ghi nhận hơn 41.900 ca sốt xuất huyết, 5 ca tử vong
Các địa phương đẩy mạnh phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TL.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.

Cụ thể, trong tuần 29 (từ ngày 15 - 21/7), thành phố ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm Quận 1, TP. Thủ Đức và Quận 7. Như vậy, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TP. Hồ Chí Minh là 4.599 ca.

Tại hội nghị phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong khuôn khổ kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết hàng năm do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.