Các cuộc chiến pháp lý của ông Trump đang vào giai đoạn then chốt07/02/2024 - 09:49:00 Các phiên tòa và phán quyết sắp diễn ra có thể mang tính định mệnh đối với chiến dịch tranh cử năm 2024 của ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng như tài sản cá nhân của ông. Quyền lực và giới hạn của chức vụ tổng thống, thậm chí cả nền dân chủ lập hiến của Mỹ, cũng sẽ được định hình bởi những gì xảy ra tiếp theo.
Theo đài CNN, xung đột giữa cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 và mớ rắc rối bất thường của ông Trump về trách nhiệm pháp lý, việc xét xử, kháng cáo tại tòa án ngày càng sâu sắc hơn khi ông ngày một nắm chắc suất đề cử của Đảng Cộng hòa. Một số vụ kiện dân sự đang dần đi đến kết luận, có thể gây ra những hậu quả tài chính đau đớn cho cựu tổng thống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược trì hoãn của ông, được thiết kế để trì hoãn toàn bộ trách nhiệm giải trình cho đến sau cuộc bầu cử. Lúc này, cựu Tổng thống Trump cùng các luật sư, và cả các đối thủ chính trị của ông cũng như các học giả hiến pháp đang chuẩn bị cho những diễn biến lớn sắp xảy ra. - Vào 8/2, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ nghe các cuộc tranh luận về quyết định của Tòa án Tối cao Colorado loại ông Trump khỏi cuộc bỏ phiếu bầu cử, viện dẫn Tu chính án thứ 14. Phán quyết này liên quan đến cuộc bạo loạn của đám đông người ủng hộ ông Trump vào ngày 6/1/2021, được cho là bị kích động bởi những tuyên bố sai của ông về gian lận bầu cử năm 2020. Vụ việc có tầm quan trọng sâu sắc đối với cuộc bầu cử năm 2024 và các cuộc bầu cử trong tương lai. Tòa án Tối cao Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải can thiệp vì các phán quyết pháp lý khác nhau giữa một số bang có nguy cơ gây ra hỗn loạn bầu cử quốc gia về tư cách hợp lệ của ông Trump trong các lá phiếu cấp bang. Bang Maine đã thực hiện một bước tương tự như Colorado nhưng vụ việc vẫn chưa được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. Các nhà sử học và học giả pháp lý cho rằng, các thẩm phán sẽ không dễ dàng đưa ra một phán quyết mới bác bỏ vấn đề này. Điều quan trọng là liệu sửa đổi hiến pháp thời Nội chiến có áp dụng cho các tổng thống hay không và liệu nó có tự thực thi hay sẽ đòi hỏi tòa án hoặc Quốc hội ra phán quyết đối với những kết luận về cuộc nổi dậy. Những người ủng hộ ông Trump đang lợi dụng việc này để bác bỏ tuyên bố của phe chỉ trích rằng ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ, cho rằng việc loại ông khỏi lá phiếu là một sự sỉ nhục trực tiếp đối với cử tri và là một ví dụ về can thiệp bầu cử. - Một câu hỏi hiến pháp lớn khác đang chờ xử lý từ tòa phúc thẩm liên bang ở Washington, DC, đối với tuyên bố của ông Trump về quyền miễn trừ tổng thống, mà ông cho rằng sẽ bảo vệ ông khỏi bị truy tố vì nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020. Phán quyết này có thể quyết định liệu vụ án can thiệp bầu cử liên bang do công tố viên đặc biệt Jack Smith dẫn đầu có diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống 2024 hay không. Nhìn rộng hơn, những lời kêu gọi của ông Trump về quyền lực tổng thống không giới hạn có ý nghĩa rất lớn đối với cách ông có thể hành xử trong nhiệm kỳ thứ hai và thay đổi tầm ảnh hưởng của chính chức vụ tổng thống. - Cựu Tổng thống Trump đang chuẩn bị đối mặt với phán quyết trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự ở New York nhắm vào chính ông, các con trai trưởng thành của ông và Trump Organization. Thẩm phán Arthur Engoron nói rằng gian lận nhiều lần đã xảy ra. Phán quyết cuối cùng, dự kiến trong vài ngày tới, tập trung vào các vấn đề bao gồm số tiền ông Trump sẽ phải trả cho những khoản lợi bất chính và liệu ông có bị cấm kinh doanh tại bang nơi ông đã làm nên tên tuổi của mình hay không. Một phán quyết trị giá hàng trăm triệu USD có thể gây áp lực đáng kể lên nguồn dự trữ tiền mặt và tài sản của vị cựu tổng thống. - Ông Trump vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của phán quyết mà bồi thẩm đoàn đưa ra vào cuối tháng trước, bồi thường 83 triệu USD cho nhà văn E. Jean Carroll, sau khi toà kết luận rằng ông đã tấn công tình dục và bôi nhọ bà. Ông Trump đang thành lập một nhóm pháp lý mới để chống lại việc kháng cáo nhưng nhiều chuyên gia pháp lý tin rằng cơ hội lật ngược phán quyết của ông sau một phiên tòa mà ông chê bai tòa án là rất mong manh. Và bản án là một đòn giáng tài chính có thể nhân lên nỗi đau của phán quyết dành cho ông trong phiên tòa xét xử gian lận. - Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy phiên tòa hình sự đầu tiên trong số bốn phiên tòa hình sự mà ông Trump sắp phải đối mặt có thể liên quan đến nỗ lực bị cáo buộc là nhằm đánh lừa cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016 liên quan đến khoản tiền bịt miệng được trả cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels. Vụ án do biện lý quận Manhattan Alvin Bragg đưa ra, được nhiều chuyên gia pháp lý coi là mối đe dọa hình sự ít nghiêm trọng nhất mà ông Trump phải đối mặt và do đó có thể giúp cho những tuyên bố chính trị của ông rằng ông đang bị bức hại vì lý do chính trị - một câu chuyện cũng có thể định hình kết quả của các phiên tòa hình sự khác. - Tại bang Georgia, vụ án với cáo buộc ông Trump đã âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 hiện đã bị lu mờ bởi những tiết lộ về mối quan hệ cá nhân giữa biện lý quận Fulton, Fani Wilis với công tố viên chính, Nathan Wade. Willis và Wade tuần trước đã bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố rằng cô được hưởng lợi về mặt tài chính khi thuê Wade. Willis cũng lập luận rằng những cáo buộc tội "dâm ô" không thể khiến cô mất tư cách đứng đầu cơ quan công tố. Ông Trump đã lợi dụng vụ lùm xùm này để đưa ra cáo buộc tham nhũng và yêu cầu hủy bỏ vụ án với mình. Một phiên tòa liên bang khác chống lại ông Trump, về cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và cản trở công lý tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông, trên danh nghĩa đã được ấn định vào tháng 5. Nhưng không rõ liệu nó có tiếp tục hay không, khi các luật sư của công tố viên Smith và ông Trump sa lầy vào các tranh cãi xung quanh vụ phát hiện, bao gồm cả việc sử dụng tài liệu mật trong vụ án và liệu Bộ Tư pháp có tuân thủ đúng quy trình thu hồi tài liệu bí mật trong thời kỳ hậu tổng thống của ông Trump hay không. Mức độ nghiêm trọng của các vụ án mà ông Trump đồng thời phải đối mặt là đặc biệt đối với bất kỳ bị cáo hình sự nào. Nhưng “sức sống” của cựu tổng thống bất chấp hàng loạt rắc rối mà ông phải đối mặt là bằng chứng cho ảnh hưởng phi thường của ông đối với đảng Cộng hoà. Nó cũng nói lên kỹ năng của ông trong việc làm chệch hướng mối nguy hiểm của chính mình trong một câu chuyện về cuộc đàn áp chính trị - vốn sẽ gắn kết những người ủng hộ trung thành của ông chặt chẽ hơn với phong trào "Make America Great Again" (“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”). Khả năng của cựu Tổng thống Trump trong việc trì hoãn trách nhiệm giải trình bằng các chiến thuật trì hoãn pháp lý giờ đây sẽ giúp quyết định liệu ông có thể thực hiện sứ mệnh phức tạp hơn là giảm bớt tác động của các phiên tòa xét xử lên cử tri trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 hay không. Đối thủ nội bộ đảng Cộng hoà cuối cùng còn lại của ông Trump, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, hiện đang lập luận rằng những vướng mắc pháp lý đang khiến ông trở thành một lựa chọn tai hại cho đảng Cộng hoà, giữa thông tin rằng ông đã chi hơn 50 triệu USD từ các ủy ban hành động chính trị cho phí pháp lý của bản thân. Trong khi đó, cơ hội để đất nước nhận được toàn bộ trách nhiệm giải trình trước những thách thức pháp lý của ông Trump - ít nhất là trước cuộc bầu cử - dường như đang giảm dần. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|