Phim điện ảnh Đào, phở và piano (kịch bản và đạo diễn - Phi Tiến Sơn) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim có sự tham gia diễn xuất của NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, NSƯT Nguyệt Hằng, Anh Tuấn, Doãn Quốc Đam, Thuỳ Linh, ca sĩ Tuấn Hưng...
|
|
Trường quay tái hiện khu phố cổ dài 120 m trong phim "Đào, phở và piano".
Thông qua những chuyện xảy ra trên chiến lũy của một khu phố cổ ở Hà Nội vào mùa đông năm 1946, phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Phim không chỉ ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước mà còn đi sâu tìm hiểu, lý giải cốt cách phẩm chất người Hà Nội.
Chuyện phim kể về một đôi tình nhân trẻ (Doãn Quốc Đam, Thuỳ Linh), vượt qua muôn vàn gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến chống lại thực dân Pháp (17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trường quay về đề tài lịch sử được cho là lớn nhất từ trước tới nay, có thể quay 360 độ không cần thay đổi bối cảnh.
Mối tình nồng nàn và lãng mạn của anh tự vệ và cô tiểu thư Hà thành được vun đắp bởi ông họa sĩ già tài năng (NSƯT Trần Lực), chú bé đánh giày lanh lẹ (Thiện Hùng), công tử nhà giàu chịu chơi (ca sĩ Tuấn Hưng), cha xứ tốt bụng (NSND Trung Hiếu), ông bán phở gánh yêu nghề (Anh Tuấn)…
NSND Trung Hiếu trong một cảnh quay.
Khi tìm thấy nhau trên chiến lũy, đôi tình nhân chỉ còn vài tiếng đồng hồ để kịp cưới và tận hưởng cuộc sống vợ chồng giữa mong manh sống chết. Chuyện phim tập trung khai thác những khoảng khắc cuối cùng của họ - khoảng khắc của tình yêu: yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do…
Trường quay được các hoạ sĩ dựng trong 3 tháng.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, trên nền những trận chiến ác liệt giành giật từng ngôi nhà, góc phố của 60 ngày đêm Hà Nội, sự tàn khốc và cái ác tương phản với hình ảnh những người dân Thủ đô giản dị, yêu nước, đầy nghĩa cử, hào hoa, lãng mạn. Họ đầy mãnh liệt với tình yêu và cuộc sống, quả cảm và sẵn sàng tận hiến để gìn giữ Hà Nội yêu dấu, sống chết với nghề và đam mê.
"Thông qua bộ phim, chúng tôi mong muốn chuyển tải đến khán giả về một Hà Nội từ gần 80 năm trước. Trong phim, phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam lan tỏa trong mỗi người dân Hà Nội…", đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ.
Sau khi đóng máy, trường quay được đầu tư hoành tráng sẽ dỡ bỏ.
NSƯT Trần Lực bất ngờ với trường quay được đầu tư lớn. “Đây là trường quay về đề tài phim lịch sử có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Bối cảnh phim có thể quay được góc máy 360 độ, trước kia chúng tôi phải cắt góc máy liên tục. Với trường quay như vậy, nghệ sĩ diễn liền mạch cảm xúc hơn”.
Hoạ sĩ Vũ Việt Hưng chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng trên sa bàn tỷ lệ 1:40, sau đó tìm miếng đất có thể dựng khu phố cổ dài 120 m, đường và vỉa hè rộng tới 15 m, với tỷ lệ 1:1. Quá trình tìm kiếm khó khăn bởi có những hiệu ứng cháy nổ, đổ sập… cần an toàn cho cư dân sinh sống gần đó, lại phải đảm bảo để thu âm đồng bộ.
Điều quan trọng là các tư liệu phải sát với thực tế, bối cảnh từ thời Pháp trở về trước hầu như không còn nữa. Được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã mượn được nơi từng đóng quân Trung đoàn E24 (Đại Lải, Phúc Yên) để làm trường quay”.
NSND Trung Hiếu rất tiếc khi trường quay được đầu tư sắp phải dỡ bỏ. NSND cho rằng, nếu ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam phát triển, những trường quay thế này sẽ được giữ lại để khai thác du lịch.