Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá  chủ trì  cuộc họp (Ảnh: BTC) 

Ngày 25/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá để nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng đầu năm, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó đề xuất các giải pháp định hướng công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022. 

Giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm  biến động tăng

Báo cáo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục. Các chỉ số giá hàng hóa quốc tế như Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg, Chỉ số giá hàng hóa cơ bản của IMF… năm 2021 và đầu năm 2022 đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch (đầu năm 2020) trong đó nhiều nhóm hàng tăng mạnh như năng lượng, thép công nghiệp, kim loại quý, sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt là thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên 105 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1/2022 tăng 0,19%, tháng 2/2022 ước tăng mạnh từ 1-1,1%. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 1,69-1,73% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 2 tháng đầu năm trong đó giá gas trong nước tăng từ ngày 1/2/2022 sau khi giảm trong tháng trước; mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng trong 4 kỳ điều hành 2 tháng đầu năm. Một số mặt hàng phòng chống dịch như kit-test xét nghiệm COVID-19 tăng giá do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…

Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong Tết sau đó dần trở lại bình thường.

Trước những diễn biến khó lường, phức tạp như trên, công tác quản lý, điều hành giá trước và sau Tết luôn được các cơ quan chức năng bám sát. Bộ Tài chính và Bộ Công thương liên tục ban hành các Chỉ thị, công văn nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trước trong và sau Tết.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã chủ động vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành giá cả thị trường. Chính sách tiền tệ được điều hành ổn định. Đặc biệt với việc triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp được Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và cho rằng, đây chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

“Trong quý I/2022, các ngành, các cấp bám sát tình hình, có giải pháp kịp thời, nên lạm phát nói chung được kiểm soát, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định.

Tuy nhiên, trước biến động của tình hình địa chính trị thế giới, dự báo điều hành giá năm 2022 hết sức khó khăn và áp lực, do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải có “động thái ứng xử kịp thời”, kiểm soát giá cả thị trường, không để lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân.

Nhận định về thị trường xăng dầu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện bị cắt giảm rất nhiều nên Bộ Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động nhập khẩu nguồn hàng, bù đắp nguồn thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Theo ông Đỗ Thắng Hải, mới đây nhất, ngày 24/2, Bộ Công thương đã ban hành quyết định giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa. Đồng thời, Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa đối với mặt hàng nhạy cảm là đầu vào của nền kinh tế này, Bộ Công thương đang tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm.

Về giá kit test xét nghiệm tăng giá do nhu cầu tăng, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đang chỉ đạo các vụ, cục, xây dựng danh mục trước ngày 5/3, có phương án trình Chính phủ sau khi hoàn thiện danh mục và phương án BOG phòng chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tăng cường cấp phép các trang thiết bị, đặc biệt kit test để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: BTC)

Dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,42%

Dự báo về tình hình giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,42%. CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 tăng khoảng 4,9% do một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: (i) Tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế cũng làm tăng áp lực lên mặt bằng giá. (ii) Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục. (iii) Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, trong thời gian tới, giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý như: Giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng theo lộ trình tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, theo TCTK ước tác động đến CPI khoảng 0,44-0,54%; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2022 dự kiến kết cấu thêm chi phí quản lý (tác động đến CPI khoảng 0,13%) và chi phí khấu hao; Giá một số mặt hàng khác như dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT, dịch vụ hàng không, dịch vụ tại cảng biển… có thể phải điều chỉnh giá tùy thuộc vào doanh thu, biến động chi phí đầu vào.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 3 kịch bản điều hành giá trong quý II và những tháng còn lại trong năm 2022. Đồng thời, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Điều hành giá phải bám sát tình hình thực tế

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022 tình hình diễn biến hết sức phức tạp, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng tới lạm phát nước ta.

Phân tích một số nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới lạm phát đang có biến động phức tạp, Phó Thủ tướng nhận định, giá xăng dầu hiện đang tăng cao, đặc biệt do khủng hoảng chính trị, giá dầu thô vượt 100 USD/thùng. Giá thành phẩm, từ 11/1 so với 21/2, thành phẩm xăng dầu tăng rất cao. Trước áp lực giá tăng, ngân hàng trung ương các nước thắt chặt tiền tệ, gia tăng lãi suất. Lạm phát các nước phát triển, tăng gần 4%; các nước đang phát triển cũng tăng xấp xỉ 6%.

“Trong bối cảnh đó, nước ta là nền kinh tế mở, nên áp lực rất nặng nề. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong điều hành, ngay từ những ngày đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo sát tình hình, kịp thời có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong quản lý điều hành giá” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định.

Trong nhóm các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá xăng dầu. “Chúng ta điều tiết giá một cách linh hoạt, tăng ở mức độ chịu đựng được, trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá còn khiêm tốn, hơn 800 tỷ đồng và 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối âm quỹ”, Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, đối với giá xăng, trong mọi trường hợp, nguồn cung phải đảm bảo, nhưng đi đôi với đó là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hơn nữa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ổn định thị trường.

Đối với giá kit-test xét nghiệm, cũng là mặt hàng cần đặc biệt lưu ý quản lý giá cả trong những ngày gần đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế đã trình các cấp có thẩm quyền đưa trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 vào diện bình ổn giá, giá dịch vụ xét nghiệm đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục được theo dõi và quản lý chặt chẽ, tránh để tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Theo Phó Thủ tướng, lạm phát năm 2022 dự báo nhiều áp lực tăng. Bộ Tài chính đã đánh giá và đưa ra các kịch bản giá trong điều hành, chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng giá xăng dầu. Do đó, cần căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành phù hợp.

Phó Thủ tướng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như ổn định đời sống của người dân./.