Theo hãng tin Reuters, việc Trung Quốc giảm dân số lần đầu tiên kể từ năm 1961 cũng làm những dự đoán cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay càng thêm có sức nặng.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới công bố, tính đến cuối năm ngoái, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm gần 850.000 người so với 1,41260 tỷ người ghi nhận một năm trước đó.
Về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Điều đó khiến các nhà nhân khẩu học trong nước cảnh báo người Trung Quốc sẽ già trước khi giàu, làm chậm nền kinh tế với doanh thu giảm và nợ chính phủ tăng do chi phí y tế và phúc lợi tăng vọt.
"Triển vọng nhân khẩu học và kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn nhiều so với dự kiến. Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh các chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng và đối ngoại của mình", nhà nhân khẩu học Yi Fuxian cho biết.
Chuyên gia nói thêm lực lượng lao động bị thu hẹp của quốc gia và sự sụt giảm trong nguồn lực sản xuất sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giá cả leo cao và lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu.
Mặc dù vậy, trong một tuyên bố, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vẫn trấn an mọi người không nên lo lắng về sự suy giảm dân số vì nhìn chung nguồn cung lao động vẫn vượt cầu.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm 2022 chỉ là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52 vào năm 2021 và đánh dấu tỷ lệ sinh thấp nhất được ghi nhận.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong là 7,37 người/1.000 người, đạt mực cao nhất kể từ năm 1974, trong khi tỷ lệ năm ngoái là 7,18.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Trung Quốc được cho là kết quả của chính sách một con của nước nàynáp đặt từ năm 1980 đến năm 2015 cũng như chi phí giáo dục cao ngất ngưởng khiến nhiều người Trung Quốc không thể có nhiều hơn một con hoặc thậm chí quyết định không có con.
Ngay sau khi được công bố, dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia đã trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên mạng xã hội Trung Quốc. Một hashtag với nội dung “Có con có thực sự quan trọng không?" đã thu hút hàng trăm triệu lượt truy cập.
"Nguyên nhân cơ bản khiến phụ nữ không muốn sinh con không phải ở bản thân họ mà ở sự bất mãn với xã hội và nam giới trong việc gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái. Đối với những phụ nữ sinh con, điều này khiến chất lượng cuộc sống và đời sống tinh thần của họ bị suy giảm nghiêm trọng”, một cư dân mạng có tên là Joyful Ned bày tỏ.
Các chuyên gia dân số cho biết các chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc trong ba năm qua cũng tác động đến triển vọng nhân khẩu học của đất nước.
Kể từ năm 2021, chính quyền các địa phương đã triển khai các biện pháp khuyến khích người dân sinh thêm con, bao gồm khấu trừ thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản và trợ cấp nhà ở. Hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thông báo chính phủ sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ hơn nữa.
Tuy nhiên, các biện pháp cho đến nay vẫn chưa có mấy tác động đối với sự thay đổi quan điểm của xã hội.
Các lượt tìm kiếm về xe đẩy trẻ em trên công cụ tìm kiếm trực tuyến Baidu của Trung Quốc đã giảm 17% vào năm 2022 và giảm 41% kể từ năm 2018, trong khi các lượt tìm kiếm về bình sữa trẻ em giảm hơn một phần ba kể từ năm 2018. Ngược lại, các lượt tìm kiếm về viện dưỡng lão đã tăng gấp 8 lần vào năm ngoái.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, xu hướng đang diễn ra ngược lại. Google Xu hướng cho thấy số lượt tìm kiếm bình sữa trẻ em tại quốc gia này trong năm 2022 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượt tìm kiếm giường cũi tăng gần gấp 5 lần.