Ít nhất 4 cô gái trẻ, tất cả đều dưới 25 tuổi, đã mất mạng trong thời gian gần đây ở những hoàn cảnh đáng ngờ. Trong đó, cảnh sát tin rằng có một cô gái 21 tuổi qua đời do tự tử vì bị chồng và mẹ chồng đối xử tệ bạc.
Gia đình các nạn nhân buộc tội người chồng và gia đình chồng đã gây khó khăn cho các cô gái về vấn đề hồi môn. Đây là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến, khi các ông chồng và gia đình chồng tỏ ra không hài lòng về số của hồi môn cô dâu mang về, từ đó dẫn đến các hành vi lạm dụng thể chất và tinh thần các cô dâu mới.
“Đã 6 thập kỷ kể từ khi của hồi môn bị cấm ở đất nước này. Nhưng nó vẫn được trao và nhận dưới nhiều hình thức với số lượng khác nhau. Đây là một tệ nạn xã hội có mức độ nghiêm trọng cao” - Thủ hiến bang Kerala, ông Pinarayi Vijayan cho hay.
“Tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của một gia đình không nên dựa vào thứ được trao cho cô dâu. Những ai đang nghĩ theo cách đó nên nhớ rằng họ đang biến con cái mình thành những món hàng”.
|
Các cô dâu trong đám cưới tập thể ở Ấn Độ. Ảnh: AP |
Theo phong tục của Ấn Độ, khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ cô dâu thường trao cho gia đình chú rể tiền mặt, vàng, ô tô, hoặc các tài sản giá trị khác. Họ tin rằng việc này sẽ giúp con gái họ ổn định về mặt tài chính. Giá trị của hồi môn thường phụ thuộc vào trình độ học vấn, nghề nghiệp và địa vị gia đình chú rể.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng trước cho thấy, trong số 40.000 cuộc hôn nhân diễn ra ở vùng nông thôn Ấn Độ từ năm 1960 đến năm 2008, có 95% cô dâu được trao của hồi môn ngay cả khi phong tục này đã bị cấm vào năm 1961.
Mặc dù, theo truyền thống, gia đình chú rể cũng gửi quà cho gia đình cô dâu, nhưng nghiên cứu cho thấy giá trị của món quà trung bình khoảng 67 USD (1,5 triệu đồng), trong khi gia đình cô dâu chi gấp 7 lần số đó cho của hồi môn. Trong đó, bang Kerala được ghi nhận có mức hồi môn cao nhất cả nước.
Của hồi môn là thứ tạo nên danh tiếng của Kerala với tư cách là một bang có các chỉ số tiến bộ nổi trội: tỷ lệ biết chữ cao nhất cả nước, tuổi thọ cao nhất, tỷ lệ tăng dân số thấp nhất.
Nền kinh tế trị giá 139 tỷ USD của Kerala là nền kinh tế lớn thứ 9 ở Ấn Độ. Bang này cũng nhận được gần 1/5 tổng số kiều hối từ nước ngoài, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018-2019. Kerala cũng là nơi có nền công nghiệp điện ảnh và văn chương phát triển.
Kể từ năm 2010, theo báo cáo của Uỷ ban Phụ nữ bang Kerala, có khoảng 1.100 trường hợp quấy rối liên quan đến của hồi môn. Nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.
Bà Alayamma Vijayan, người điều hành Trung tâm Tài nguyên Phụ nữ Sakhi cho biết, tặng của hồi môn là một thực tế được chấp nhận. Nó chỉ trở thành vấn đề khi phía nhà trai không hài lòng với những gì mình nhận được.
Bà nói thêm rằng, tập tục này phổ biến ở mọi tầng lớp nhưng rõ ràng hơn ở các tầng lớp xã hội thấp hơn.
Một nhóm phụ nữ biểu tình vì bất bình đẳng giới ở Thiruvananthapuram, Kerala, Ấn Độ. Ảnh: AP |
Trước những cái chết bị nghi ngờ nguyên nhân là do của hồi môn, các nhà chức trách Kerala cho biết, họ sẽ sửa đổi giáo trình học tập có nhiều yếu tố nhạy cảm giới tính. Họ cũng đang tìm cách thiết lập các phiên toà để xử các tội ác chống lại phụ nữ và khởi động đường dây trợ giúp 24/7 để phụ nữ có thể báo cáo về hành vi bị lạm dụng.
Theo giáo sư Neetha N. tới từ Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Trung tâm Phụ nữ, Kerala đang ở ngã tư văn hoá và đạo đức.
“Ở góc độ cá nhân, Kerala mô tả các phong tục như tặng của hồi môn là một truyền thống mà họ muốn bảo tồn. Một người có thể tiến bộ về tư tưởng chính trị nhưng anh có thể không thể hiện điều đó trong cuộc sống cá nhân”.
Giáo sư Neetha N. cũng nghi ngờ về hiệu quả của đường dây nóng với một phụ nữ bị chồng bạo hành. “Về mặt lý thuyết, nó có thể hữu ích nhưng có bao nhiêu phụ nữ có thể thực hiện quyền đó? Trong bối cảnh xã hội của hệ thống gia đình ở Kerala và các cùng lân cận, đường dây nóng không có ý nghĩa gì” – bà nói.
“Điều chúng ta cần bây giờ là một phong trào chính trị trao quyền cho phụ nữ từ góc độ xã hội. Các đảng pháp chính trị cần sử dụng các vấn đề như thế này để đạt được lợi ích bầu cử”.