Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 13/5, các khu vực trong cả nước đều có mưa dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo thời tiết các khu vực chiều tối và đêm 13/5: Phía Tây Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, riêng Lai Châu-Điện Biên 20-23 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, gió Đông Nam đến Nam cấp 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C.
Thủ đô Hà Nội chiều tối và đêm có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; gió Đông Nam đến Nam cấp 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, gió Đông Nam cấp 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất tại Tây Nguyên từ 21-24 độ C; Nhiệt độ thấp nhất tại Nam Bộ từ 25-28 độ C.
Phân tích về hiện tượng dông, lốc, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột; khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn có khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn.
Hiện dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố.
Người dân cũng lưu ý trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.
Đề cập đến hiện tượng sét, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh sét, tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Từ tháng Tư đến tháng 10 là mùa dông sét nên người dân phải cẩn thận hơn, chịu khó theo dõi tình hình thời tiết. Người dân làm ở khu vực nào đó, phải để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn.
Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như: Mây đen, không khí lạnh, gió...
Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài với số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm.
Trên nền hoạt động dông tương đối mạnh này, vẫn có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động dông ở các vùng. Có những nơi có số giờ dông nhỏ như: Cam Ranh - Khánh Hòa (55 giờ/năm), bên cạnh đó, lại có khu vực đạt số giờ dông tới 489 giờ/năm như: A Lưới (Thừa Thiên-Huế).
Có thể giải thích sự chênh lệch này bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau.
Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng.
Việt Nam là khu vực nhiệt đới nên nguy cơ dông sét có thể xảy ra bất cứ khu vực nào, có thể kể tới một số khu vực như: Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh thành phố Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội...
Thông thường, sét đánh ở các đô thị, nhưng nhiều người không biết do có các nhà cao tầng hút sét và thoát sét. Những nơi đô thị hóa có nhiều nhà cao tầng bằng bê tông cốt thép có khả năng bảo vệ chống sét tốt, người đi ngoài đường trong lúc dông sét cũng được bảo vệ bởi hệ thống chống sét từ các nhà cao tầng. Do đó, thiệt hại về người do sét là ít hơn so với khu vực nông thôn.
Ở nông thôn, miền núi, nhiều khu vực người dân chưa quan tâm làm hệ thống chống sét nên có khi bị sét đánh thẳng vào nhà, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh xa các vật dụng kim loại; ra ngay khỏi những nơi chứa nước như: Bãi biển, ao hồ...; đồng thời, khẩn trương tìm chỗ khô ráo, người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất, không được đứng thành nhóm đông.
Ở thành thị, cần trú mưa khi gặp dông ở các nhà cao tầng hoặc các công trình khác đã có bảo vệ chống sét. Trong trường hợp phải di chuyển khi trời đang mưa, thì cố gắng lựa chọn đi dưới các đường có nhà cao bao quanh./.