Sáng 16-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế thể hiện ngày 3-11-2023, các ĐBQH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, đã có 49 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, 16 đại biểu tranh luận và 17 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ TN&MT, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Từ ngày 9 đến 14-11, các cơ quan đã họp rà soát các ý kiến ĐBQH, chỉnh lý nhiều nội dung dự thảo Luật. Chiều 14-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Bộ trưởng TN&MT đã đồng chủ trì buổi làm việc thống nhất một số nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay hiện có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn một phương án; 14/26 nội dung còn hai phương án; 1/26 nội dung cần có thông tin làm rõ và 5/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền.
“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”- ông Vũ Hồng Thanh nói và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp 6 (dự kiến vào ngày 29-11-2023).
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã đồng tình, nhất trí chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này mà chuyển sang kỳ họp gần nhất. Ông yêu cầu cố gắng thu hẹp tối đa các nội dung hai phương án, chỉ để một phương án trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nội dung trình xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cơ bản thống nhất.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với sáu nội dung Ủy ban Kinh tế và Bộ TN&MT đồng thuận thiết kế thành một phương án…
Với những nội dung có hai phương án, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản. Sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình một phương án để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, qua thảo luận, có 5 nội dung đã có quan điểm của Chính phủ và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng Ủy ban Kinh tế đang còn có những phân vân, băn khoăn. 5 nội dung này gồm: 1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2) Về bổ sung quy định dự phòng, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo trình tự, thủ tục rút gọn; (3) Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; (4) Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; (5) Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị những nội dung trên thiết kế thành 2 phương án, lập luận nêu rõ ưu điểm của từng phương án để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, ông đánh giá 5 vấn đề Uỷ ban Kinh tế còn phân vân không phải là những vấn đề đại sự, vấn đề lớn mà mang nặng vấn đề kỹ thuật và một số quan điểm.
“Tinh thần đây là dự án luật rất quan trọng, rất hệ trọng, cho nên chúng ta đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Nếu việc thông qua dự án Luật này được chuyển sang kỳ họp bất thường (dự kiến vào tháng 1-2024) thì thời gian chỉnh lý dự thảo sẽ rất ngắn, vì kỳ họp này thường chỉ diễn ra trong 5 ngày.
“Chúng ta đã có tiền lệ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh chuyển sang kỳ họp bất thường chỉ có mấy ngày, chúng ta vẫn làm được. Quy định về trình tự ban hành văn bản pháp luật cũng không có vấn đề gì”- ông Vương Đình Huệ nói thêm và đề nghị Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Thường vụ Quốc hội có văn bản xin ý kiến Chính phủ về những vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận này