Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo06/09/2021 - 21:03:00 Theo đặc phái viên TTXVN, trong dịp tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5), sáng 6/9 theo giờ địa phương, tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo.
Sự kiện này do Phòng Thương mại Công nghiệp Áo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và 30 đại biểu đại diện trên 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ô tô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, xử lý bề mặt kim loại, thương mại, luật, dịch vụ hàng không, năng lượng đã tham dự. Ngoài danh sách dự kiến, tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp của Áo đã chủ động đăng ký tới tham dự. Ông Richard Schenz, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Áo cho biết, Phòng Thương mại Công nghiệp của Áo đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn, các hiệp hội và hỗ trợ cho chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua hoạt động tốt và rất mong muốn sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng. Ông Richard Schenz hy vọng, qua diễn đàn này hai bên sẽ hợp tác và đưa ra những sáng kiến để định vị ý tưởng về kinh doanh, đầu tư; đồng thời hai bên cùng tận dụng các lợi thế đầu tư và các cơ hội mới mang lại, đặc biệt là khu vực châu Á, nơi mà có nhiều cơ hội kinh tế và đầu tư, trong đó, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Áo là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Cộng hòa Áo nói riêng. Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình thế giới dự báo có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, sinh kế và việc làm của người dân. Tuy nhiên, trong khó khăn và thách thức có mở ra nhiều cơ hội mới. Giai đoạn 5 năm qua từ năm 2026-2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm. Nhìn lại cả quá trình 35 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức bình quân 7%. Năm 2020 tuy bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, có mức tăng trưởng kinh tế 2,91%, thuộc nhóm rất ít các nước có tăng trưởng dương và tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Trong 8 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của biến chủng Delta tại TP Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh, thành phía Nam nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực: GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%; kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu đạt khoảng 430 tỷ USD (tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020), trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu tăng gần 12%. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đều nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang ở tình trạng rất ổn định. Với dân số hiện nay gần 100 triệu người, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 40 trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô GDP trên 350 tỷ USD. Với kết quả thu hút FDI rất tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI thành công hàng đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt xấp xỉ 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới. Trong bối cảnh các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư của dòng vốn đầu tư quốc tế, cùng với thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đang tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam để cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Do đó, bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đó là phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế, phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; gắn kết phát triển kinh tế, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chủ tịch Quốc hội cho biết về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của khu vực và toàn câu vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - EU năm 2020 đạt gần 56 tỷ USD, bên cạnh đó khu vực EU là đối tác FDI đứng thứ 6 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt trên 22 tỷ USD. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 và dự kiến Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi chính thức được phê duyệt sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định; đảm bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU. Về quan hệ đầu tư, Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ. Về quan hệ thương mại, Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010 và đây là con số ấn tượng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả này còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Áo. Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học… Cùng với đó nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội cho biết Hiệp định EVFTA đã thực hiện được hơn 1 năm. Theo quy định Hiệp định EVIPA phải được tất cả các nghị viện thành viên EU phê chuẩn; hiện mới có 6/27 Nghị viện trong EU phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn từ rất sớm. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng và doanh nghiệp của Cộng hòa Áo, Phòng Thương mại Công nghiệp Áo có tiếng nói thúc đẩy để chúng ta sớm phê chuẩn EVIPA. Chúng tôi ví hai hiệp định này như là hai cánh của một con chim, nếu chúng ta chỉ có EVFTA mà không có EVIPA thì quyền lợi của các nhà đầu tư của Việt Nam cũng như của châu Âu sẽ không hiệu quả. Hai hiệp định này được ví như một cao tốc, như một đại lộ kinh tế kết nối giữa châu Âu với Việt Nam”. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn doanh nghiệp Áo ủng hộ để Chính phủ Áo hỗ trợ cung cấp vaccine, các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhấn mạnh Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, Chủ tịch Quốc hội thông báo giữa EU - ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường rộng lớn hơn với 800 triệu dân khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, đã chính thức có hiệu lực… Cùng dự diễn đàn có các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu. Theo Chủ tịch Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và nhân dân hai nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi một cách minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quốc hội Việt Nam đang có chương trình tổng thể để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường thuận lợi nhất cho các cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đã trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ từ các bộ, ngành của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi doanh nghiệp Áo đầu tư vào Việt Nam; đồng thời cho biết Bộ đã trình Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng cơ chế chính sách để tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn; khẳng định cam kết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành ngay từ lúc mà tất cả các doanh nghiệp nước ngoài có ý tưởng đầu tư có giải pháp, có những sáng kiến, sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ Việt Nam để có những tiếp cận, hợp tác tốt nhất trong thời gian tới nhanh nhất. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Áo về những giải pháp của Chính phủ Việt Nam đã áp dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 cũng như thu hút đầu tư, những kế hoạch hành động trong những năm tới, kế hoạch dài hạn; khẳng định Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên chống dịch đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết nhưng cũng đảm bảo duy trì sản xuất, không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng như việc làm của người lao động. Việt Nam đang tập trung vào 4 giải pháp chính gồm hỗ trợ chống dịch linh hoạt, hiệu quả để đảm bảo vừa chống dịch, duy trì sản xuất, tiêm vaccine sớm cho đối tượng là người lao động, các chuyên gia làm việc trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm; đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, liên tục, gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay; giảm chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp. Những vướng mắc về lao động, nhập cảnh, chuyên gia…, Việt Nam đang tập trung tháo gỡ những khó khăn để các doanh nghiệp giảm thiểu về thiệt hại và duy trì sản xuất, không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, sẵn sàng quay trở lại hoạt động ngay kể cả người lao động và chuyên gia, nối ngay lại được các mạng lưới sản xuất và các chuỗi cung ứng khi dịch bệnh COVID-19 kiểm soát được. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tất cả đang phụ thuộc vào việc thực hiện các giải pháp và tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Bộ trưởng cho biết “Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh chống dịch và đẩy nhanh tiêm vaccine, cố gắng trong tháng 9/2021 có thể kiểm soát được dịch bệnh và quý IV/2021 sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, để sản xuất đảm bảo được tăng trưởng cho năm 2021 và những năm tiếp theo; hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cho người lao động”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bộ được giao chủ trì quy hoạch điện năng, theo đó đến năm 2030 nâng tỷ lệ điện năng lượng tái tạo từ 22% hiện nay lên 27%, đến năm 2040 từ 35-38%. Do đó, Việt Nam rất cần hợp tác với các đối tác phát triển trong lĩnh vực công nghệ, vốn để thực hiện mục tiêu này; hy vọng doanh nghiệp của Áo, châu Âu đến Việt Nam đầu tư. Không chỉ đẩy mạnh hợp tác thương mại, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, khi Hiệp định EVIAP được phê chuẩn và có hiệu lực, cơ hội mang tới cho 2 bên là rất lớn. Các nhà đầu tư châu Âu đến với Việt Nam không chỉ là với khoảng 100 triệu dân, mà còn là thị trường hơn 5 tỷ dân khu vực châu Á. Các nhà đầu tư có thể tiếp cận với các nền kinh tế lớn bởi 17 FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có hiệu lực thi hành. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nếu đầu tư ở Việt Nam thì cái lợi lớn nhất của các nhà đầu tư chính là chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Tại diễn đàn, các nhà doanh nghiệp Áo cho rằng Việt Nam là thị trường đầu tư quan trọng của Áo trong khu vực Đông Nam Á; mong muốn có nhiều cuộc gặp B2B (công ty đến công ty - Business to Busines) để doanh nghiệp có thể tìm hiểu, trao đổi cụ thể hơn. Đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Áo cho biết ủng hộ đề xuất gợi mở những lĩnh vực mà Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam để thu hút những nhà đầu tư có chất lượng từ Cộng hòa Áo. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|