Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và các nước; khẳng định quyết tâm đưa quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ bước sang những giai đoạn phát triển mới, ngày càng gặt hái nhiều thành tựu hợp tác rực rỡ. Đặc biệt, chuyến công tác của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước và cộng đồng Pháp ngữ.
Với lịch trình hoạt động dày đặc ở Mông Cổ, Ireland, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nước chủ nhà Pháp đang tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ với 100 đoàn nguyên thủ, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sự quan tâm đặc biệt với các nghi thức lễ tân cao hơn quy định thông thường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả và toàn diện hơn vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng hợp tác với Mông Cổ và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, phù hợp với lợi ích, tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước.
Điểm nhấn lớn nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Ireland; nhất trí hợp tác vì sự thịnh vượng và phát triển toàn diện của cả hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn cầu, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng Việt Nam tại Ireland.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng các nhà lãnh đạo Pháp trao đổi phương hướng thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác địa phương.
Tại Hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới.
Tại các cuộc Hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm luôn truyền đi một thông điệp, Việt Nam kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, lấy đây làm tư tưởng, kim chỉ nam để bảo vệ và phát triển đất nước; triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong bài phát biểu tại trường Đại học Trinity College Dublin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng rằng, hòa bình là nền tảng để phát triển. Do đó, kế thừa truyền thống của dân tộc về yêu chuộng hòa bình, “hòa hiếu”, “lấy chí nhân thay cường bạo”, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam ủng hộ việc tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung; ký kết gần 20 văn kiện trong đó có 7 văn kiện hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, giao thông vận tải, giáo dục và hợp tác địa phương, 3 văn kiện hợp tác với Ireland về giáo dục đại học, chuyển đổi hệ thống lương thực, kinh tế, thương mại và năng lượng; với Pháp, hai bên cũng đã ký gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới.
Ngoài ra, một số trường Đại học và doanh nghiệp cũng ký các thỏa thuận hợp tác như Thỏa thuận hợp tác với UNESCO về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Airbus và Vietjet bàn giao tàu bay mới mang hình ảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Đặc biệt, Việt Nam và Pháp đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và Pháp chính thức trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, sự thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh sẽ góp phần làm sâu sắc hơn các nền tảng hợp tác sẵn có, đồng thời khai thác thêm nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam với các nước, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các nước.
Một điểm nhấn quan trọng nữa trong chuyến công tác lần này là Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá sau hơn 10 năm thiết lập và triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Xuyên suốt chuyến công tác, vấn đề thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước là một trong những ưu tiên,theo đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành nhiều thời gian có các cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp tiêu biểu, hàng đầu của các nước và luôn nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, với tầm nhìn dài hạn trên, Việt Nam định hướng sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Theo đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, y tế, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển...
"Trước bối cảnh và cơ hội mới, tôi cho rằng tiềm năng hợp táccòn rất phong phú, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa bởi nội lực dồi dào của mỗi bên cũng như sức sống của thời đại mới, thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, của sự liên kết, hội nhập sâu rộng trên toàn thế giới. Chúng tôi coi thành công của các Bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa và giáo dục và giao lưu nhân dân, gặp gỡ trí thức, kiều bào tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dành sự quan tâm đặc biệt tại các nơi đến thăm.
Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong chuyến công tác Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các thành viên trong đoàn đều rất xúc động khi được viếng thăm nơi Bác hồ của chúng ta cách đây hơn 100 năm ra đi tìm đường cứu nước.
"Ở đó không chỉ là sự tôn kính, kính yêu Bác Hồ mà còn đưa ra một thông điệp với bạn bè quốc tế về hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới đã được UNESSCO vinh danh. Và cùng bắt đầu từ những tư tưởng của người để rồi chúng ta kết nối khối đoàn kết quốc tế. Hiện nay các thế hệ lãnh đạo, nhân dân kế tục sự nghiệp này, qua đó hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, của hợp tác để cùng nhau phát triển trong thời đại mới" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đại diện chính quyền thành phố Montreuil, Thị trưởng thành phố ông Patrice Bessac, nhấn mạnh, sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại đây là một minh chứng mạnh mẽ cho tình hữu nghị gắn bó giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, đặc biệt là giữa nhân dân Việt Nam với thành phố Montreuil - thành phố của sự bình dị, giàu văn hóa, - trưởng thành từ truyền thống đấu tranh công nhân và những cam kết vì công bằng xã hội.
Ông Patrice Bessac nhấn mạnh, bằng tư tưởng và hành động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa ước mơ về tự do của một dân tộc dưới ách thống trị của thực dân. Người là nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào đấu tranh trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Pháp và tại Montreuil.
"Chúng tôi, người dân Montreuil, vô cùng tự hào vì được mang trong mình ký ức đó. Ngày hôm nay cũng là biểu tượng của sự tiếp nối tình đoàn kết giữa thành phố chúng tôi với cộng đồng người Việt - những con người đã trở thành một phần không thế thiếu của thành phố này. Và chúng tôi biết rất rõ họ đã góp phần làm giàu thêm văn hóa, lịch sử đấu tranh và cam kết vì xã hội của thành phố này nhiều thêm bao nhiêu. Chuyến thăm của Ngài hôm nay không chỉ tái khẳng định tinh hữu nghị giữa hai dân tộc, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cùng nhau đấu tranh vì các giá trị công bằng xã hội, hòa bình và bình đẳng”- ông Patrice Bessac nói.
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 với chủ đề “Sáng tạo, Đổi mới và Khởi nghiệp”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, lan toả mạnh mẽ thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức chung, cũng như tận dụng các cơ hội có được từ sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã cùng các Nhà lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers –Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững. Đồng thời chúng ta cũng đã tận dụng tối đa dịp này để thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, qua đó giới thiệu những tiềm năng to lớn về hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đặc biệt là thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp với các nước Châu Phi nói chung và trong cộng đồng Pháp ngữ nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa tới an ninh lương thực thế này thì các quốc gia châu Phi đang tìm kiếm Việt Nam như một nơi có thể gỡ khó cho họ hoặc là nơi mà có thể giúp họ thay đổi nền nông nghiệp của các quốc gia Châu Phi.
Có thể khẳng định, chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland và Pháp, tiếp tục truyền đi thông điệp về một Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó các thách thức, đóng góp vào một tương lai hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững.
Trên cơ sở nền tảng hợp tác vững chắc đã được vun đắp trong nhiều năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với Mông Cổ, Ireland, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ chung tay xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững trong thời gian tới.