Cơ hội tỉ đô cho doanh nghiệp Việt từ đường sắt cao tốc03/10/2024 - 11:04:00 Với tổng nguồn vốn hơn 67 tỉ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mang đến nhiều cơ hội "tỉ đô" cho doanh nghiệp Việt Nam.
Với năng lực hiện có, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều phần việc thuộc dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Văn Hiền Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Theo Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỉ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỉ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỉ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỉ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỉ USD) và hàng triệu việc làm. Theo nghiên cứu, về công nghiệp xây dựng Việt Nam có thể tự chủ hoàn toàn. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, với quy mô thị trường nêu trên, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Việt Nam có thể làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tu, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng và tham gia nhiều phần việc Trao đổi về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai các phần việc thuộc dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định rõ các thách thức khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Mặc dù Việt Nam chưa có đường sắt cao tốc, tuy nhiên phải khẳng định rằng không phải chúng ta không có gì mà chúng ta đã có đội ngũ có thể làm nhiều việc về kết cấu hạ tầng. Điển hình như cầu dây văng như Mỹ Thuận 2, Việt Nam đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Làm hầm chúng ta có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, về đoàn tàu, chúng ta đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành các toa xe chất lượng cao, chạy tàu SE21/SE22 giữa TPHCM - Đà Nẵng, rất đông khách du lịch, thường xuyên cháy vé. Việt Nam có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như nhà máy Xe lửa Dĩ An, nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ rất lâu đời, nay có đầy đủ máy móc, thiết bị, bao gồm các móc thiết bị hiện đại như máy cắt CNC. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án. Tiêu biểu như vấn đề sản xuất toa xe đường sắt cao tốc. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chưa tập trung vào lĩnh vực này. Tuy nhiên khi “cầu” cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ để sản xuất toa xe đường sắt cao tốc và lúc này cần phải tập trung đầu mối để sản xuất, có thể theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có tham gia kinh doanh dịch vụ tại nhà ga sau này. Có thể nói với các năng lực sẵn có, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiều phần việc tại dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án này tạo ra nhiều cơ hội việc làm tỉ đô thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|