Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: VGP

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Điều hành và Sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.

Tham dự Đối thoại dự kiến còn có Chủ tịch WEF Borge Brende, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, khoảng hơn 50 lãnh đạo toàn cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu và lãnh đạo một số tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Cơ hội lớn cho cả hai bên

Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”.

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Davos cũng như các Hội nghị khu vực về Đông Á và ASEAN. Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - đối ngoại lớn tại Việt Nam như Hội nghị WEF Đông Á (năm 2010), Hội nghị WEF Mê Công (năm 2016).

Quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF thời gian qua tiếp tục được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị WEF - ASEAN do Việt Nam đăng cai (tháng 9/2018), được đánh giá là thành công nhất trong các hội nghị cấp khu vực của WEF.

Đối thoại là cơ hội để WEF và các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lắng nghe, trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về những mục tiêu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025; nắm bắt các cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, góp ý về việc phát huy, tận dụng các động lực về đầu tư và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Việc tổ chức Đối thoại lần này cũng cho thấy WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp thành viên đánh giá cao tiềm năng phát triển, vị thế chiến lược của Việt Nam; mong muốn đóng góp vào những nỗ lực, biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Đối thoại cũng được kỳ vọng là cơ hội kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đối thoại nhằm truyền tải tới các tập đoàn toàn cầu tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu của Việt Nam được đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Qua sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng gửi thông điệp tới WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về khát vọng phát triển và chủ trương thích ứng với COVID-19 của Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, tăng cường sản xuất tại Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực với những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả để kiểm soát và thích ứng với dịch bệnh, phục hồi kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam có nhiều chủ trương, biện pháp để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, vận động, thu hút công nghệ và đầu tư nước ngoài chất lượng cao từ các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đối thoại thẳng thắn, cởi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan tới tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, khôi phục sản xuất an toàn, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, khôi phục chuỗi cung ứng lao động…

Kỳ vọng đột phá từ hợp tác công tư

Đặc biệt, Đối thoại có ý nghĩa hết sức thiết thực với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư” nhằm huy động mọi nguồn lực, nhất là từ khu vực tư nhân trong ứng phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xác định phương thức hợp tác đối tác công tư có vai trò hết sức quan trọng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước trên nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể. Tinh thần là lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội.

Thực tiễn các địa phương những năm qua đã cho thấy nhiều mô hình hợp tác công tư như lãnh đạo công, quản trị tư (ví dụ chính quyền xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ giám sát, kiểm tra để giao doanh nghiệp quản lý, kêu gọi đầu tư); đầu tư tư, sử dụng công (ví dụ tư nhân đầu tư công trình, nhà nước thuê lại làm trụ sở, tiết kiệm chi phí và thời gian); đầu tư công, quản lý tư (ví dụ chính quyền cho đấu thầu để tư nhân vận hành, khai thác nhà khách, bảo tàng, thư viện, công viên…).

Thực tiễn cũng đã chứng tỏ, phương thức hợp tác công - tư (PPP) có vai trò quan trọng để nhiều địa phương có thể phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, “đi lên từ khung trời, cửa biển, bàn tay, khối óc của chính mình”, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, như tinh thần được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, đặt ra với các cấp chính quyền.  

Ví dụ nổi bật nhất là tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian ngắn đã kêu gọi đầu tư được nhiều dự án theo phương thức đối tác công - tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông với mô hình địa phương chủ động quản lý và thực hiện.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng và hơn 32.500 tỷ đồng được huy động đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm được cảng hàng không, gần 100 km đường cao tốc đầu tiên.

Đồng thời chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức PPP để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn. Tính từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn  xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (trung bình 1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút được 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách).

Ngoài mô hình thành công tại tỉnh Quảng Ninh, còn một số tỉnh như Lạng Sơn, Tiền Giang cũng mạnh dạn đảm nhận vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thực hiện một số dự án cao tốc đem lại kết quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Những bài học thành công trên thực tiễn là một trong những cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2915 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Sau đó, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.

WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm An ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác giải pháp công nghệ hàng đầu.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

WEF thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại chính sách với lãnh đạo Bộ Ngoại giao về các xu hướng phát triển, động lực tăng trưởng mới trên thế giới, phục vụ cho các báo cáo và nghiên cứu liên quan, giúp Bộ Ngoại giao tham mưu hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Một số hợp tác cụ thể giữa WEF và các bộ, ngành của Việt Nam đang được triển khai. Bộ Thông tin Truyền thông (được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền) và WEF đã ký Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và WEF về thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 và liên kết Trung tâm này với mạng lưới các trung tâm trên thế giới. Bộ TN&MT và đại diện WEF đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. WEF đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Việt Nam tham gia sáng kiến “Trung tâm thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo” nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ GD&ĐT đang trao đổi với WEF về khả năng hợp tác triển khai mô hình thúc đẩy thu hẹp khoảng cách kỹ năng.

 

Hà Văn