Cờ ốc (Ouk Chaktrang) mở đầu cho chiến dịch săn vàng, chiến dịch tốp 3 của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Kỳ thủ Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân mang về tấm HCV đầu tiên, “xông đất” cho đoàn thể thao Việt Nam với mục tiêu cao. Nội dung mà Thảo và Ân mang về HCV là cờ tiêu chuẩn hai người nữ 60 phút. Bộ đôi của Việt Nam trước 1 vòng khi còn trận đấu với bộ đôi của Lào.
|
Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân cùng các HLV hạnh phúc với tấm HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Thể thức thi đấu cờ ốc trông rất lạ lẫm được chia làm lượt đi và về. Chiến thắng có một điểm, hòa và thua không có điểm nào. Điều đáng nói là cờ ốc có khả năng hòa rất cao, khi hòa nhau thì trọng tài tính điểm ai ít nước đi hơn sẽ thắng. Tổng kết quả hai lượt đi và về ai nhiều điểm hơn sẽ là người chiến thắng.
Các kỳ thủ cờ ốc Việt Nam hầu hết được tuyển chọn từ môn cờ vua qua thi đấu cờ ốc. Họ mới làm quen với môn cờ ốc chỉ tám tháng qua. Tuy nhiên các kỳ thủ Việt Nam tư duy chiều sâu rất tốt từ nền tảng cờ vua nên họ bắt nhịp và thích nghi với cờ ốc rất nhanh.
Theo một HLV phụ trách môn này tại SEA Games 32, cờ ốc giống đến 80% so với cờ vua. Tuy nhiên nét khác biệt lớn nhất là quân cờ hoàng hậu của cờ vua được phép đi nhiều nước, từ đầu đến cuối bàn cờ (giống như quân xe trong cờ tướng), còn cờ ốc thì quân hoàng hậu chỉ đi từng nước một, tức một ô mà thôi.
Hành trình đến chiếc HCV, Thảo và Ân lần lượt xuất sắc đánh bại chủ nhà Campuchia 2-0, Thái Lan 1-0, Malaysia 1-0 và Myanmar 1-0. Cờ ốc có bảy quốc gia tham gia tranh tài tại SEA Games 32.
Thảo và Ân sẽ mang lại may mắn cho đoàn thể thao Việt Nam qua tấm HCV đầu tiên. Ảnh: A.PHƯƠNG |
Cờ ốc là dịch cho thuận lợi từ “Ouk” trong tiếng Khmer. Tên nguyên bản của môn cờ này là Ouk Chadtrang. Nó đã thịnh hành trong cộng đồng sắc tộc dân Khmer, nhất là Campuchia và Thái Lan nhiều thế kỷ qua.