Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trọng công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.
Đó là lời khẳng định của Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Báo chí (16/7/2003-16/7/2023) diễn ra ngày 19/7 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan báo chí đã tham dự buổi lễ.
Dùng công nghệ để quản lý báo chí
Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28/8/1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3/5/1946, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng “thu thập và truyền bá các tin tức trong nước”, đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí. Mốc son quan trọng là ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Phạm Quang Nghị ký quyết định thành lập Cục Báo chí.
Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin thời kỳ này.
Phát biểu khai mạc buổi lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc khẳng định trong 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí, hoàn thành sứ mệnh của "người gác cổng thông tin."
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sau đó là Kế hoạch hành động triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở ra hướng phát triển mới, tạo cơ hội cho báo chí bứt phá vươn lên, chiếm lĩnh không gian mới; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, trong quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả.
Công tác quản lý báo chí được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin báo chí.
“Báo chí có vai trò định hướng thông tin nhưng phải thổi vào đó nhiệt huyết để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, phản ánh trung thực dòng chảy chính, nhân lên năng lượng tích cực; tăng cường tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc,” ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Ở mốc son 20 năm hình thành và phát triển, Cục Báo chí quyết tâm vượt khó, đổi mới, sáng tạo, bứt phá vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ giao phó.
“Chúng tôi sẽ phát huy giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, gắn báo chí với sứ mệnh lớn của đất nước để thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng; tinh gọn hệ thống báo chí; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí; tháo gỡ bất cập, để phát triển kinh tế báo chí; dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số báo chí; xây dựng mô hình cơ quan báo chí, phát triển kinh tế báo chí, đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội,” ông Lưu Đình Phúc bày tỏ.
Đi đầu trong chuyển đổi số
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã biểu dương và ghi nhận những thành tích, kết quả công tác mà Cục Báo chí đã đạt được đồng thời nhấn mạnh rằng báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục góp phần khơi dậy khát vọng dân tộc.
Đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
"Đây là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng," Bộ trưởng khẳng định.
Đề cập đến vấn đề phát triển báo chí bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chú trọng đến vấn đề quản lý nhà nước về báo chí. Trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi trong cách thức làm việc để đạt được hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy báo chí phát triển.
"Hoạt động báo chí trước đây đi cùng cây bút, trang giấy thì nay có thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, là cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị công tác quản lý báo chí cần phải có công cụ giám sát toàn diện thông qua công nghệ. Cơ quan quản lý phải "nhìn online" để sớm phát hiện ra vấn đề, từ đó nhắc nhở kịp thời nhằm tránh sai sót. Không chỉ vậy, để thực hiện quản lý nhà nước tốt phải chú trọng thể chế, cần phải tường minh, đối với xử phạt phải rõ ràng, nghiêm minh và đủ sức răn đe.
Lưu ý Cục Báo chí về những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quy hoạch báo chí về cơ bản đã xong phần sắp xếp, giờ là lúc cần làm rõ “báo ra báo, tạp chí ra tạp chí,” phải tập trung vào định hướng các cơ quan báo chí đi theo đúng trọng tâm quy hoạch.
“Cần thể hiện rõ ràng chuyển đổi số, tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ đối với các cơ quan báo chí. Để làm được điều này Cục Báo chí cần phải đi đầu trong chuyển đổi số, đưa hoạt động của cục lên môi trường số, công tác quản lý cần kết nối online,” Bộ trưởng đề nghị.
Vai trò chủ đạo của Cục Báo chí là tạo nền tảng cho các cơ quan báo chí phát triển, đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước cũng như đảm bảo cho người làm báo có thể sống được lành mạnh. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Báo chí cần có trách nhiệm giúp đỡ các cơ quan báo chí tìm đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp truyền thông trên thị trường.
Với thành tích xuất sắc trong suốt 20 năm qua, Cục Báo chí vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.