Cuộc cách mạng về thể chế cho khoa học công nghệ Việt Nam01/01/2025 - 08:40:00 Sự ra đời của Nghị quyết số 57 đã khẳng định một cách vững chắc mô hình phát triển của Việt Nam sẽ dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. VietNamNet mới đây đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) về những tác động mà Nghị quyết số 57 sẽ mang đến cho Việt Nam những năm tới. Từ góc nhìn của một người làm khoa học và nay tham gia vào công tác quản lý, ông cảm nhận được thông điệp gì được gửi gắm thông qua Nghị quyết số 57 từ những người đứng đầu đất nước? PGS.TS Vũ Văn Tích: Tôi nhận thấy thông điệp mà Bộ Chính trị đưa ra khi ban hành Nghị quyết số 57 rất cụ thể, thực tiễn đối với quan điểm của Đảng về việc luôn coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Chúng ta trước đây luôn nói khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng nhất thông qua Nghị quyết số 57. Đấy là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc Nghị quyết này. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và sự tác động của Nghị quyết số 57 đối với những người làm khoa học công nghệ và chuyển đổi số Việt Nam? Tôi nghĩ Nghị quyết số 57 không chỉ có tác động tới cộng đồng làm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Việt Nam mà nó tác động tới toàn dân. Vì sao lại như vậy? Nghị quyết số 57 đã định hướng và chỉ ra giải pháp để thực hiện một phương thức sản xuất kiểu mới của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đó là phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số. Do có sự thay đổi về phương thức sản xuất, điều này không chỉ tác động tới những người làm khoa học, các tổ chức, nhà quản lý, doanh nghiệp mà tới toàn thể xã hội. Đâu là điểm mới có sức tác động lớn nhất của Nghị quyết số 57? Nghị quyết số 57 đã khẳng định một cách vững chắc mô hình phát triển của Việt Nam sẽ dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điểm mới thứ hai là việc thay đổi phương thức của mô hình phát triển là dựa vào chuyển đổi số. Liệu Nghị quyết số 57 có thể trở thành bước ngoặt giúp Việt Nam vươn mình trở thành một nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045? Tôi nghĩ Việt Nam có thể trở thành một nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045, nếu như Nghị quyết số 57 được triển khai bài bản, triệt để và nhanh. Thời gian từ Nghị quyết gắn với thể chế hóa trong các luật, nghị định, thông tư phải được tính bằng tháng. Những định hướng của Nghị quyết số 57 sau đó phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 5 năm tới một cách rất cụ thể, gắn với mục tiêu và tầm nhìn đề ra, thì mới có thể đạt được như kỳ vọng. Nghị quyết số 57 đề ra rất nhiều mục tiêu tham vọng về việc phát triển 5G, IoT, Trí tuệ nhân tạo… Yếu tố quan trọng nhất để biến kỳ vọng này trở thành hiện thực là gì? Như tôi đã nói, đây bản chất là sự thay đổi phương thức sản xuất theo kiểu mới, dựa vào chuyển đổi số. Các chỉ số liên quan đến hạ tầng cho hoạt động sản xuất kinh doanh dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, hệ thống hạ tầng cho khoa học công nghệ, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể là những công nghệ hiện đại phục vụ cho chuyển đổi số như IoT, công nghệ mạng 5G, trí tuệ nhân tạo… là vô cùng quan trọng. Các công nghệ này không chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo ra các loại tài sản mới, của cải vật chất kiểu mới, đồng thời còn giúp chúng ta kết nối với thế giới bên ngoài. Đó còn là kênh để chúng ta phân phối, trao đổi giao dịch hàng hóa. Có thể thấy Nghị quyết số 57 như một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ. Việt Nam sẽ phải làm gì để hiện thực hóa cuộc cách mạng này? Đây chính xác phải nói là cuộc cách mạng về thể chế cho khoa học công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy, việc triển khai Nghị quyết số 57 cũng sẽ có nhiều thách thức, khó khăn cần phải vượt qua. Đầu tiên, chúng ta cần phải có sự quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Thứ hai là sự nhận thức một cách đồng thời của tất cả các thành viên trong hệ sinh thái có liên quan, từ nhà khoa học, người đào tạo nguồn nhân lực cho đến người tạo ra các cơ chế, chính sách và các doanh nghiệp. Tất cả mọi thành viên trong hệ sinh thái đều cần phải nâng cao nhận thức và có sự phối hợp nhịp nhàng. Nếu có sự quyết tâm cao, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thách thức đó. Về mặt thuận lợi, Việt Nam là một nền kinh tế mở. Người dân Việt Nam được tiếp cận công nghệ, thông tin, dữ liệu mới rất nhanh so với các quốc gia khác. Đây là thuận lợi lớn để Việt Nam có thể thực hiện các phương thức sản xuất kiểu mới dựa trên chuyển đổi số. Cảm ơn ông! Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|