Nhiều đề nghị tạo điều kiện cho các bị cáo
Tại phần thủ tục phiên tòa, nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho các bị cáo sức khỏe yếu, có bệnh nặng được ngồi trong thời gian diễn ra phiên tòa. Trong đó, luật sư đề nghị cho bị cáo Lê Văn Sắc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Địa ốc Alaska, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên FLC Land) được ngồi do là bị cáo cao tuổi nhất, 75 tuổi và đang có bệnh nền.
Các luật sư của một số bị cáo cũng đề nghị HĐXX cho thân chủ được sử dụng giấy bút để theo dõi các nội dung liên quan và cho luật sư được tiếp xúc với thân chủ trong thời gian nghỉ giải lao và khi kết thúc phiên tòa.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. |
Đáng chú ý, tiến hành phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo liên quan, TAND TP Hà Nội đã dựng nhà bạt, chuẩn bị chỗ ngồi theo dõi phiên tòa cho hàng nghìn bị hại và liên quan, song lượng người trong diện này đến tòa rất ít. Do đó, nhà bạt tại tòa gần như không nhất thiết phải sử dụng đến.
Bị cáo Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội) đề nghị Tòa triệu tập 3 người gồm Lê Văn Dò, Trần Thị Linh, Đỗ Mạnh Hà (những người liên quan) để làm rõ việc bị cáo này có thực hiện việc kiểm toán hay không.
Sau hội ý, HĐXX cho biết đã triệu tập 3 người nêu trên nhưng họ vắng mặt. Do phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập.
Bị cáo Lê Văn Tuấn là kiểm toán viên được phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiểm toán tại Công ty Faros. Tuy nhiên, Lê Văn Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Công ty Faros nhưng vẫn ký các Báo cáo tài chính kiểm toán chấp nhận toàn phần với số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng trái pháp luật.
Trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu là phù hợp với kết quả điều tra, diễn biến vụ án.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận đã thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Faros và không thừa nhận ký báo cáo kiểm toán nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình là khách quan, đúng sự thật.
Bị cáo Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội. |
Ông Lê Văn Dò (Phó tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội) là người ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính của Công ty Faros năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 với giá trị 100 triệu đồng.
Khi thực hiện hợp đồng kiểm toán, dù biết báo cáo tài chính của Công ty Faros chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần nhưng ông Lê Văn Dò và bị cáo Lê Văn Tuấn đã cùng ký ban hành các báo cáo kiểm toán, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.
Khi Công ty Faros nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, cơ quan quản lý, Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề đã họp với Công ty CPA Hà Nội xác định thủ tục kiểm toán và bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ và yêu cầu kiểm toán lại.
Sau đó, Công ty CPA Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại nhưng bị cáo Lê Văn Tuấn vẫn cùng bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh (Tổng giám đốc Công ty CPA) ký ban hành báo cáo kiểm toán độc lập.
Chiếm đoạt tiền của hơn 30 nghìn nhà đầu tư
Trong vụ án, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan bị đưa ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng bị xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử. |
Tòa án triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo buộc, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC do bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ tịch HĐQT. Bị cáo Quyết thành lập 17 công ty con, công ty liên kết, 8 công ty liên quan, 57 công ty vệ tinh với tổng số vốn điều lệ là hơn 91.000 tỷ đồng, trong đó có Công ty Faros và một số công ty khác liên quan trong vụ án này.
Với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu, sử dụng sàn Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.
Có 7 bị cáo thuộc các cơ quan quản lý đã có hành vi sai phạm, tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tăng vốn, niêm yết và bán cổ phiếu để chiếm đoạt tiền.
Cụ thể, nhóm 4 bị cáo ở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM gồm: Trần Đắc Sinh (Chủ tịch); Lê Hải Trà (Tổng giám đốc); Trầm Tuấn Vũ (Phó Tổng giám đốc); Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc ) đã đồng ý, chỉ đạo, thực hiện việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros trái pháp luật, để Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Vụ án Trịnh Văn Quyết quy tụ rất đông luật sư tham gia bào chữa. |
Nhóm 3 bị cáo ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) gồm: Lê Công Điền, Dương Văn Thanh, Phạm Trung Minh đã chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng, cấp chứng nhận đăng ký chứng khoán cho cổ phiếu ROS để Trịnh Văn Quyết niêm yết, bán cổ phiếu.
Ở hành vi thao túng chứng khoán, với mục đích thu lợi bất chính thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 người để thành lập, đứng tên doanh nghiệp và mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán.
Sau đó, sử dụng các tài khoản này đặt lệnh mua bán liên tục, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa, đóng cửa thị trường, đặt lệnh rồi hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Trịnh Văn Quyết khai nhận hành vi phạm tội và nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án khoảng 210 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đã ghi nhận, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trịnh Văn Quyết và nhiều bị cáo khác.
Phiên tòa hiện trong giai đoạn công bố cáo trạng truy tố.