Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, qua khảo sát 1.125 doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình tiền lương thưởng Tết 2023. Dự kiến thưởng Tết dương lịch bình quân là 1,1 triệu đồng, cao nhất là 38 triệu đồng thuộc một doanh nghiệp FDI.
Còn mức thưởng Tết bình quân là 6,1 triệu đồng, thấp nhất là 4,68 triệu đồng. Cá biệt có công ty gỗ thưởng Tết Nguyên đán tới 896 triệu đồng. Đây là mức cao hơn hẳn so với Tết Nhâm Dần 2022 (gần 627 triệu đồng).
Trong khi đó, mức thưởng Tết ở Hậu Giang cao nhất hơn 146 triệu đồng, thưởng bình quân Tết dương lịch hơn 5 triệu đồng, Tết âm lịch gần 11,9 triệu đồng.
Tại Đồng Tháp, mức thưởng Tết cao nhất là 120 triệu đồng.
Đến giữa tháng 12-2022, có 214 doanh nghiệp tại Đồng Nai đã thông báo thưởng Tết. Thấp nhất 1 tháng lương, cao nhất 2,5 tháng lương. Cá biệt có đơn vị thưởng cao nhất 100 triệu đồng, nhưng có đơn vị chỉ thưởng 50.000 đồng.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có doanh nghiệp FDI dự kiến thưởng Tết âm lịch khoảng 167 triệu đồng cho người lao động. Ngược lại, mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất theo thống kê là 500.000 đồng/người thuộc khối doanh nghiệp dân doanh.
Qua thống kê hơn 1.500 doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất gần 360 triệu đồng, trong khi mức thưởng Tết dương lịch cao nhất hơn 110 triệu đồng.
Ngược lại, có đơn vị chỉ dự kiến thưởng 100.000 đồng cho người lao động trong Tết Nguyên đán sắp tới. Cũng là tỉnh có nhiều doanh nghiệp, Nghệ An có đơn vị thưởng Tết cao nhất là 100 triệu đồng/người và thấp nhất là 100.000 đồng/người.
Nhìn ra các "thủ phủ" công nghiệp phía Bắc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh cho biết qua rà soát 450 doanh nghiệp, có một cá nhân hưởng lương trung bình 495 triệu đồng/tháng thuộc công ty sản xuất linh kiện điện tử tại TP Từ Sơn.
Một công ty sản xuất linh kiện kim loại phục vụ công nghiệp dự kiến thưởng Tết âm lịch 212 triệu đồng (tương đương Tết Nhâm Dần 2022) trong khi mức thưởng thấp nhất chỉ là 100.000 đồng. Mức thưởng cao nhất Tết dương lịch tại Bắc Ninh gần 118 triệu đồng.
Cạnh Bắc Ninh, mức thưởng Tết âm lịch tại Bắc Giang cao nhất 120 triệu đồng/người. Trước đó vào Tết Nhâm Dần 2022, thưởng Tết cao nhất gần 228 triệu đồng/người (khoảng 10.000 USD) thuộc về một doanh nghiệp FDI. Nếu tính bình quân chung, mức thưởng Tết là trên 5,687 triệu đồng/lao động, tăng 8,8% so với dịp Tết năm trước (thống kê 324 doanh nghiệp đến 21-12-2022).
Tỉnh đông công nhân khác là Thái Nguyên ghi nhận mức lương trung bình cao nhất là 200 triệu đồng/tháng bên cạnh thưởng Tết âm lịch cao nhất khoảng 150 triệu đồng.
Tính đến giữa tháng 12-2022, có doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc dự kiến thưởng cao nhất 260 triệu đồng trong dịp Tết Quý Mão 2023, trong khi mức thưởng Tết bình quân ở doanh nghiệp khác hơn 4,6 triệu đồng/người.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các sở lao động - thương binh và xã hội trên cả nước báo cáo tình hình lương thưởng Tết của doanh nghiệp cho người lao động trước ngày 25-12. Sau đó, cơ quan này sẽ công bố "bức tranh" lương thưởng năm 2022.
Các chuyên gia đánh giá mức lương người lao động tăng ít nhất 6% so với năm 2021 do Chính phủ vừa có nghị định tăng lương tối thiểu vùng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc những tháng đầu năm 2022…
Tuy vậy, cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng dẫn tới cắt giảm giờ làm, giảm nhân công, giảm thưởng Tết vì đây cũng là yếu tố gắn liền với kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ 1-1-2021 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Đồng thời, bộ luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công khai tại nơi làm việc