Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông, ngoài ý thức tự giác của chủ xe, rất cần sự liên kết dữ liệu từ các cơ quan quản lý, từ CSGT, bảo hiểm… để quy định được thực thi, vì sự an toàn của cộng đồng, chứ không phải đặt ra quy định cho có.
Về lý thuyết, việc đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn đã được quy định tại Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cụ thể, tại điểm d, khoản 7, Điều 9 Thông tư này đã quy định: “Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định hết hiệu lực khi xe cơ giới bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định”.
Ngoài ra, chủ phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
Quy định là vậy, song Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2023) cũng không hề có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị thực thi, từ Cục Đăng kiểm VN đến các trung tâm đăng kiểm. Ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm cũng cho thấy, không có quy định bắt buộc và cũng không có biện pháp nào giám sát chủ xe phải đăng kiểm lại sau khi phương tiện bị tai nạn, đã được khắc phục, sửa chữa và cũng không có trường hợp nào đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn, nếu tem kiểm định không bị hư hại, có nguy cơ vi phạm TTATGT và bị lực lượng chức năng xử phạt.
Điều đó cho thấy, quy định về đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn đang bị bỏ trống, hoặc chỉ quy định cho có.
Để khắc phục tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, cần có sự chia sẻ, liên kết dữ liệu từ những lực lượng có liên quan, như CSGT, bảo hiểm. Một vụ TNGT bất kỳ, nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc (hoặc tự nguyện), thông thường sẽ được chủ xe thông báo đến bảo hiểm đề xác định thiệt hại, làm cơ sở để bồi thường. Đó là cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ để xác định phương tiện từng bị tai nạn.
Với trường hợp chủ phương tiện không tham gia bảo hiểm tự nguyện, không làm thủ tục bồi thường, cũng không hẳn không có dữ liệu. Với những vụ việc hư hại nhẹ, chỉ hư hỏng phần thân vỏ của phương tiện, không ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện khi vận hành, cũng không nhất thiết phải thực hiện đăng kiểm lại. Với những vụ việc gây thiệt hại năng về người và tài sản, thông thường sẽ được thông báo đến lực lượng CSGT để giải quyết.
Nếu những cơ sở dữ liệu của lực lượng CSGT, bảo hiểm được liên kết, chia sẻ, không khó để yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm lại trước khi lưu thông.
Một vấn đề nữa sẽ nảy sinh, đó là phương tiện hư hỏng mức độ nào thì bắt buộc chủ chủ xe phải đăng kiểm lại sau khi bị tai nạn? Giải quyết câu hỏi này không khó, bởi chắc chắn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có đánh giá chi tiết mức độ thiệt hại của phương tiện trước khi bồi thường. Đây nên được xem là một trong những cơ sở để cơ quan chức năng xác định phương tiện nào phải đăng kiểm lại sau khi bị tai nạn.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần nghiên cứu, ban hành hướng dẫn chi tiết những hư hỏng sau tai nạn, trường hợp nào cần thực hiện đăng kiểm lại, để từ đó có cơ sở thực thi. Dữ liệu phương tiện đăng kiểm lại cần được chia sẻ trên hệ thống liên thông, không chỉ các trung tâm đăng kiểm thực hiện, mà còn để lực lượng chức năng cùng khai thác, vì mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý.
Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng cần được coi là chốt chặn, chỉ trả lại giấy tờ khi phương tiện thực hiện kiểm định lại. Đây không phải một rào cản, hay một sự khó dễ cho chủ xe, doanh nghiệp, mà cần được xem là trách nhiệm với cộng đồng./.