Việc đầu tư cho cơ sở chăn nuôi công nghiệp cũng là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp giảm được chi phí nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, từ đó tạo ra thương hiệu và uy tín trên thị trường hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo dự báo, 10 năm tới, thịt gia cầm chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 tổng sản lượng thịt các loại. Trong đó, trứng gia cầm đạt khoảng 23 tỷ quả cao gấp 10 tỷ quả so với hiện nay; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1 tỷ USD. Do đó đầu tư công nghệ cao vào các cơ sở chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận nhiều hơn các thị trường khó tính trên thế giới. Không chỉ phục vụ xuất khẩu mà thị trường trong nước hiện nay cũng rất nhiều tiềm năng và người tiêu dùng trong nước cũng yêu cầu các sản phẩm thịt gà phải có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, thịt gà của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, thịt gà sản lượng xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, đầu tư công nghệ cao để sản phẩm gia cầm có thể vượt qua được những rào cản kỹ thuật xuất khẩu đi nước ngoài cũng đang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, xu hướng áp dụng công nghệ cao là hướng mở giúp tiết kiệm chi phí giảm giá thành cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu và tăng cơ hội xuất khẩu. Đây cũng là mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang thực hiện.
“Chúng ta đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Do vậy phải có công nghệ cao để đi tắt đón đầu, những doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao là đúng hướng chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030 và tầm nhìn 2045. Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng” -Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.