Dạy học trực tuyến: Giáo viên không còn bị động18/04/2021 - 19:58:00 Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến (DHTT) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đây là hành lang pháp lý quan trọng công nhận chính thức phương thức DHTT. Theo Thông tư này, DHTT hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.
Có gây khó cho giáo viên? Nhận được Thông tư nói trên, nhiều địa phương, nhà trường đã có chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể về triển khai DHTT phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với thông tư mới. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nghệ An cho biết: Thông tư mà Bộ GDĐT vừa ban hành có ý nghĩa quan trọng và kịp thời trong giai đoạn này. Trước hết đó là công nhận về tính pháp lý của hình thức DHTT. Trong đó có công nhận về việc thực hiện chương trình và hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến và kết quả triển khai DHTT theo chương trình năm học. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tại các địa phương trong thời gian tới. Về phía Sở GDĐT Nghệ An sẽ chỉ đạo, hướng dẫn để từ năm học 2021-2022 duy trì cả 2 hình thức dạy học trực tiếp và DHTT trong các nhà trường. Đối với DHTT, Sở sẽ có hướng dẫn để các nhà trường từng bước triển khai với các mức độ khác nhau như: DHTT hỗ trợ dạy học trực tiếp (thực hiện một phần nội dung bài học, chủ đề), DHTT thay thế dạy học trực tiếp (thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề). Nói về quy định DHTT có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo Chương trình giáo dục phổ thông để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề liệu có làm khó cho giáo viên không, cô Nguyễn Thanh Ngọc, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, DHTT không làm khó cho giáo viên vì hàng ngày giáo viên đã được tiếp cận với công nghệ thông tin qua các bài giảng điện tử. Dù ban đầu còn những hạn chế tiếp cận với DHTT nhưng cơ bản đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới trong thời đại 4.0 để áp dụng vào giảng dạy trực tuyến cho học sinh. “Tôi nhớ năm học trước, khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, để DHTT cho học sinh thì giáo viên phải mất một thời gian làm quen, tiếp cận với những phần mềm dạy học. Nhưng với năm học này chúng tôi đã hoàn toàn chủ động xây dựng nội dung, cách thức giảng dạy để giúp học sinh học tốt những kiến thức khi phải nghỉ dịch ở nhà. Không chỉ như vậy, qua học trực tuyến nhưng học sinh vẫn được phát triển những kỹ năng khác như: Làm tấm chắn giọt bắn; tham gia cuộc thi “Em yêu Hà Nội”, làm video những lời chúc cho các bác sĩ nơi tuyến đầu phòng chống dịch… Vì vậy, theo tôi việc đáp ứng yêu cầu của thông tư Quy định về quản lý và tổ chức DHTT thì giáo viên không còn bị động vì hàng ngày đã được trau dồi những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và đặc biệt là những cuộc thi về công nghệ thông tin trong ngành giáo dục… Điều đó đã giúp cho việc DHTT đạt được hiệu quả cao”, cô giáo Ngọc chia sẻ. Để triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến Cô Ngọc cho biết: Để chuẩn bị cho DHTT đạt kết quả tốt nhất, Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia những lớp học tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng công nghệ thông tin. Về phía đội ngũ giáo viên cũng luôn chủ động học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thông tin để giúp cho môi trường dạy học ngày một sáng tạo và tối ưu. “Tại trường tôi, Ban giám hiệu luôn quan tâm trang bị đầy đủ phòng chức năng, thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu, kho học liệu điện tử giúp hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học. Các cô giáo của trường có kỹ năng sư phạm và tiếp cận công nghệ thông tin cao, không ngừng học hỏi để trau dồi thêm kiến thức. Theo tôi đó là thuận lợi và là ưu điểm của nhà trường. Với kho học liệu đã được chuẩn bị khi DHTT, chúng tôi có thể sử dụng để tạo ra những bài giảng điện tử mang lại hiệu quả giáo dục cao. Chỉ có một chút khó khăn đối với những giáo viên có tuổi, việc tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế”, cô giáo Ngọc nói. Về phía phụ huynh, cô Ngọc cho rằng: Đầu tiên phụ huynh phải hiểu được mục đích của DHTT là giúp học sinh nắm rõ được kiến thức cơ bản của từng bài học, vì vậy khi các con tham gia học tập trực tuyến, phụ huynh cần quan tâm chuẩn bị những trang thiết bị và sát sao hơn với những buổi học của con, giúp con có thể tập trung vào bài học hơn. Tiếp đó, phụ huynh sẽ cộng đồng trách nhiệm với nhà trường, nhắc nhở và hướng dẫn con cách thức để học trực tuyến, giúp con thao tác thành thạo và hỗ trợ con trong việc trao đổi hay nộp bài cho giáo viên. Thường xuyên trao đổi với giáo viên của con, để cùng nhau giúp con tiếp cận kiến thức qua DHTT một cách hiệu quả nhất. Vai trò của phụ huynh trong việc học sinh học tập kiến thức qua DHTT rất quan trọng. Nếu được phụ huynh quan tâm hỗ trợ, đồng hành thì chắc chắn việc học tập của con sẽ hiệu quả và tiến bộ từng ngày. Trước những nét mới của Thông tư 09, TS Nghiêm Xuân Huy- Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng đưa ra nhận định: Để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, có 3 nguồn lực quan trọng các cơ sở giáo dục cần bảo đảm. Thứ nhất là về con người, cần chuẩn bị cho các thầy cô giáo sẵn sàng về nhận thức, kỹ năng, kiến thức để tổ chức dạy học trực tuyến. Mọi sự thay đổi trong giáo dục nên được bắt đầu từ người thầy. Thứ hai là về hạ tầng, các trường cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ phù hợp. Đặc biệt là trang thiết bị để hỗ trợ giáo viên xây dựng nội dung giảng dạy, áp dụng phương pháp giảng dạy mới, thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá mới… Thứ ba là về chính sách, các trường nên xây dựng cơ chế công nhận, ghi nhận nỗ lực của giáo viên trong DHTT; cơ chế hỗ trợ về tài chính và quy đổi khối lượng giảng dạy khi giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến. Theo TS Nghiêm Xuân Huy: Điểm mới của Thông tư số 09/TT-BGDĐT là trao quyền tự chủ rất cao cho các trường về tổ chức đào tạo trực tuyến. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng. Sự tham gia của giáo viên được thể hiện qua việc xây dựng bài giảng điện tử, học liệu điện tử, kịch bản tương tác trong các buổi học trực tuyến, thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá trực tuyến… Những nội dung này đều đỏi hỏi nỗ lực lớn của giáo viên. Đó là thuận lợi nổi bật mà Thông tư mang lại cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, với tính mở và trao quyền chủ động cao như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục là rất quan trọng. Mọi sự thay đổi đều kéo theo thách thức và đòi hỏi quyết tâm cao. Một thách thức khác xuất phát từ phía người học. Dạy học trực tuyến đòi hỏi sự chủ động, tự giác và tích cực cao của người học, vốn là tồn tại khá phổ biến trong giáo dục nhà trường hiện nay. Đây là điều không dễ khắc phục trong một sớm, một chiều mà cần được hình thành ngay từ chính những hoạt động giảng dạy trực tiếp… Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|