Để trẻ em an toàn trong mùa dịch01/06/2021 - 07:30:00 Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Năm nay, thời gian nghỉ hè của các em lại đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19. Các hoạt động tổ chức vui chơi cho trẻ vì thế, cơ bản không được thực hiện.
Nỗi lo tai nạn thương tích, thiếu an toàn Từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã bùng phát trong cộng đồng, khiến học sinh tại nhiều địa phương phải nghỉ hè sớm, dù chưa kết thúc học kỳ 2. Các lớp học kỹ năng, học ngoại khóa cũng không được tổ chức để hạn chế tập trung đông người. Chị Hoàng Bích Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hè này, tôi dự định hè cho con lớn học lớp 7 học bơi và bóng rổ. Nhưng do dịch bệnh, các trung tâm kỹ năng và nơi tập trung đông người đều dừng hoạt động. Do đó, từ khi nghỉ hè ở nhà đến nay, một tuần con vẫn 2 buổi học online với các thày cô trên lớp và tham gia 1 lớp học thêm toán. Thời gian còn lại, con nhà tôi chơi trên máy tính, xem phim trên tivi và cùng trẻ em trong khu vui chơi tại hành lang và khoảng không còn lại trong khu". Còn chị Bích Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì chia sẻ: "Lúc nghỉ hè, tôi cho con về quê chơi với ông bà ở Nam Định. Tuy nhiên, do thực hiện công tác phòng dịch nên ở quê cũng hạn chế tụ tập đông người. Do đó, ngoài một số buổi học và làm bài tập online, con tôi cũng chỉ chơi với anh em họ. Để trẻ em chơi không có sự quản lý của người lớn là điều khiến tôi rất lo vì báo chí, truyền thông vẫn thường xuyên đưa tin các vụ tai nạn thương tích của trẻ". Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, chỉ mới bắt đầu hè, nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm với trẻ em. Điều này gióng lên hồi chuông báo động tới chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ. Đơn cử như vào chiều 22/5, ba trẻ em (tầm 6-7 tuổi) ở xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định) rủ nhau đi tắm suối thì bị cuốn vào hố nước sâu. Khi người trong làng đến thì các cháu đã tử vong do đuối nước. Hoặc ngày 27/5, một nhóm 4 em nhỏ ở thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đến tắm trên dòng sông Tiêm, không may có 2 em bị nước nhấn chìm (một em học lớp 6 và một em học lớp 3). Theo chính quyền địa phương, địa điểm 2 em nhỏ bị đuối nước đã được cắm biển báo nhưng các em nhỏ vẫn xuống tắm. Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Cùng với đó, tình trạng đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại những nơi cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. Tình trạng gia tăng thương tích, nhất là đuối nước đang là lời cảnh báo về việc quản lý và tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp hè cho phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tập trung truyền thông phòng chống tai nạn thương tích Theo Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 là “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Bà Nguyễn Thị Nga, Cục Phó Cục Cục Trẻ em cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực gia đình khi ở nhà. Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch, trong đó yêu cầu cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh, hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời. “Với trẻ em thuộc diện đi cách ly, các địa phương đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời triển khải hỗ trợ yếu tố tâm lý cho trẻ”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ. Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về trẻ em, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết, việc trang bị kỹ năng có thể tuyên truyền trên mạng xã hội. Việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng sống thiết yếu này là vô cùng cần thiết, ngay từ khi trẻ bắt đầu nhận biết xung quanh. Trong các buổi đối thoại, diễn đàn trẻ em gần đây do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức, nhiều em học sinh đã bày tỏ mong muốn, nhu cầu về việc tăng cường các khoá học kĩ năng sống, trong đó có kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước. Vì vậy, việc đưa các lớp học, bài học về kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong các chương trình học phổ thông hoặc hoạt động ngoại khoá là vô cùng cần thiết”, bà Phương Linh cho biết. Bà Nguyễn Phương Linh cũng lưu ý về phương pháp giảng dạy, giáo dục kỹ năng cho trẻ, dạy kỹ năng phải tập trung vào thực hành, phương pháp tư duy, xử lý tình huống chứ không chỉ là lý thuyết. Bố mẹ và thầy cô không thể ở bên trẻ 24/7, do đó cần tìm các phương pháp giáo dục thân thiện với trẻ, giúp con nhận biết các nguy hiểm và rủi ro, tư duy phân tích và phản biện, cách xử lý tình huống và giải quyết, tự bảo vệ mình và bạn bè. Bên cạnh việc giáo dục trẻ như kể trên, việc đảm bảo môi trường, không gian an toàn cho trẻ là rất quan trọng. “Các địa phương, gia đình và cộng đồng thực hiện rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng… Các địa phương chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Các địa phương tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH để phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết. Về các hoạt động sẽ tổ chức cho trẻ em trong tháng 6, bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đội Trung ương cho biết: "Trung ương Đoàn đã có công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động hè cho học sinh và trẻ em, trong đó tập trung tuyên truyền theo chủ đề “Hè vui khỏe, an toàn” trên mạng xã hội, fanpage của đoàn… Các địa phương cũng căn cứ tình hình thực tế tổ chức hoạt động ôn bài, rèn luyện kỹ năng, trong đó tăng cường sân chơi giáo dục, sinh hoạt trực tuyến trên mạng xã hội…". Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)), đến ngày 29/5, có khoảng 6% trường hợp F1 phải cách ly là trẻ em (4.083 trường hợp F0 và F1), số liệu này có thể sẽ tăng lên khi lượng người cách ly tại Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN, KCX) tăng. Trước tình hình này, Bộ LĐTBXH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Theo TTVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|