Trong văn bản đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho người lao động vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết dịch COVID-19 khiến tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Cơ hội tìm kiếm việc làm trong khu vực chính thức gặp nhiều khó khăn, người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao.

Đối với các ngành sản xuất, Bộ Công Thương cho rằng tỉ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp công nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Đặc biệt là đối với các ngành nghề có đặc thù sử dụng nhiều nhân công như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến đồ gỗ…

Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các ngành sản xuất trọng điểm - ảnh 1
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở các doanh nghiệp. Ảnh: V.LONG

Nếu không bảo đảm được nguồn cung lao động, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất sẽ có nguy cơ lâm vào khủng hoảng sau dịch. Việt Nam cũng sẽ đánh mất vị trí trong chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu ở các ngành xuất khẩu chủ lực do không thể đáp ứng đơn hàng quốc tế.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Cạnh đó, sửa Nghị quyết 68/2021 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động theo hướng bổ sung, nâng cao mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đối với ngành sản xuất trọng điểm như điện tử, dệt may, da giày, cơ khí, ô tô, chế biến gỗ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm và ngành thép.

Cụ thể ở đây là Chính phủ cần tiếp tục miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong vòng 18 tháng đối với người lao động và doanh nghiệp. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và duy trì hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động trong vòng 12 tháng.

Ngoài ra, Chính phủ cần bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như miễn đóng vào quỹ bảo hiểm ốm đau, bảo hiểm y tế; Bổ sung chính sách về việc áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể là cho phép người lao động có thể làm thêm giờ nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định) để giúp các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng.

Bộ Công Thương cũng đề xuất chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa một số quy định theo hướng kéo dài thời gian miễn đóng phí công đoàn, bổ sung thêm đối tượng lao động được hỗ trợ bữa ăn…  

 

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 25-8, có khoảng hơn 13,5 triệu người lao động và trên 375.800 người sử dụng lao động được hỗ trợ với số tiền khoảng trên 8.000 tỉ đồng.

Trong nhóm chính sách về bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022, với tổng số tiền khoảng 4.322 tỉ đồng. 

BHXH Việt Nam cũng đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng trên 293,6 tỉ đồng.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã có khoảng 2,12 triệu người lao động được hỗ trợ với số tiền gần 3.290 tỉ đồng. Trong đó chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trên 174,7 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc trên 4,3 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1 trên 117,8 tỉ đồng…

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân số tiền 185,5 tỉ đồng để doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 53.581 lượt người lao động.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ còn khá chậm, kết quả thực hiện một số chính sách chưa cao. Đặc biệt có hai tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long; 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc…