Đề xuất lùi thời hạn tăng học phí: Gỡ khó cho các trường bằng cách nào?23/09/2023 - 09:36:00 Năm học 2023 - 2024 đã bắt đầu được gần 1 tháng nhưng học phí vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết khi mức thu của nhiều trường mới là tạm thu. Mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)vừa trình Chính phủ tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng lùi 1 năm tăng học phí so với quy định.
Nơi tăng, nơi giữ ổn định Thời điểm này các trường đại học (ĐH), cao đẳng đã thu học phí học kỳ 1 năm học 2023 - 2024. Theo đó, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I là khoảng 10 triệu đồng, tương tự mức thu 2 năm qua, dù trước đó trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn là 23 - 29 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8% so với năm trước. Đại diện nhà trường chia sẻ, từ học kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, trường vẫn thu như học kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%. Cũng thu học phí tương đương 2 năm học trước còn có các Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Học viện Ngoại giao... Trong khi đó, một số trường khác như Trường ĐH Thủ đô tăng 15 - 25% tùy từng ngành học so với năm học trước. Mức tăng này chưa đến trần học phí được quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là tăng tối đa từ 30 - 53% tùy từng ngành học. Dẫu vậy, các trường đều thông báo đây là mức thu tạm tính, chưa chính thức trong khi chờ Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng về mức học phí năm học này. Riêng đối với khối trường phổ thông công lập, phần lớn đều chưa thực hiện thu học phí tháng 9 dù đã gần kết thúc tháng học đầu tiên. Về phía Bộ GDĐT cho rằng, nếu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao và trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội. Cụ thể, mức trần học phí giáo dục ĐH công lập năm học này nếu áp dụng Nghị định 81 sẽ tăng trung bình trên 45%, đặc biệt khối ngành Y dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội tăng 53% so với năm học trước. Tuy nhiên, nếu không có sự điều chỉnh về mức học phí thì các trường ĐH sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất… Vì vậy, đề xuất của Bộ GDĐT đó là vẫn tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng, có nghĩa là học phí của năm học này thu bằng mức học phí của năm 2022 - 2023 thay vì mức học phí của năm học 2023 - 2024 được quy định trong Nghị định 81. Về phía người học, dù vẫn tăng học phí nhưng mức tăng được Bộ GDĐT đề xuất thấp hơn quy định tại Nghị định 81 nên vẫn được hưởng lợi, giảm áp lực tài chính. Giải pháp lâu dài Nhiều trường đại học từng bày tỏ nỗi lo nếu học phí không tăng trong khi mọi chi phí khác đều tăng chóng mặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của nhà trường. Vì vậy, dù năm nay tăng ít hay giữ ổn định thì từ năm sau trở đi, việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Câu hỏi là làm sao để có được cơ chế tài chính bền vững cho giáo dục ĐH phát triển? Theo số liệu Bộ GDĐT khảo sát trên 134 cơ sở giáo dục ĐH trong toàn quốc khi xây dựng báo cáo cho Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, chi phí đơn vị trên đầu sinh viên năm 2021 ước tính bình quân khoảng 25,5 triệu đồng/năm, trong đó kinh phí chi từ ngân sách nhà nước tính trung bình xấp xỉ 8,8 triệu đồng/sinh viên. Tuy nhiên, với những trường tự chủ tài chính cao thì chi ngân sách nhà nước còn giảm hơn. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nay chi phí đơn vị/sinh viên của nước ta ở mức rất thấp. Việc tăng cả ngân sách nhà nước và học phí là cần thiết để duy trì và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời có thêm nguồn lực để miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện chính sách. “Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiếp tục mở rộng và cải tiến chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên, gắn với minh bạch hóa tài chính và các chỉ số về điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định. Vấn đề đặt ra với các trường là làm sao cần tăng nguồn thu ngoài học phí để dù tăng học phí nhưng cũng ở mức phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân. Đặc biệt, đối với một số đối tượng sinh viên yếu thế cần có những chính sách riêng biệt để khuyến khích, tạo điều kiện cho các em được học đại học ngoài chính sách chung về tín dụng của nhà nước, cần có hỗ trợ về học bổng, về các quỹ tiếp sức của nhà trường kêu gọi từ các nguồn lực khác nhau. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng các trường cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để tăng thu, giảm chi như tăng cường chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp... Trong điều kiện năm học mới đã bắt đầu trong khi chính sách học phí vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, đại diện một số trường bày tỏ mong muốn Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách cấp bù học phí cho các trường, ít nhất trong năm học 2023 - 2024 để sinh viên yên tâm nhập học. Về lâu dài, cần gỡ nút thắt cơ chế đặt hàng để các trường có thêm nguồn kinh phí đầu tư phát triển giáo dục đại học. Đơn cử, trong ngành sư phạm, việc đặt hàng đã được quy định tại Nghị định 116, song sau 3 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc khiến địa phương không mặn mà, trường lúng túng, khó giải thích với sinh viên. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|