Nâng mức vốn vay để hỗ trợ cho HSSV trang trải chi phí học tập - Ảnh minh họa
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 21/9 /2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

 

Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Bộ Giáo dục và đào tạo (Bộ GDĐT), qua hơn 14 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), kết quả: Tổng doanh số cho vay từ khi thực hiện Chương trình đến ngày 31/12/2020 đạt 66.011 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 55.674 tỷ đồng. Số HSSV được vay vốn trên 3,6 triệu HSSV.

 

Tỷ lệ HSSV có nhu cầu vay vốn từ 10% – 15% số lượng nhập trường hàng năm. Tổng số HSSV có việc làm sau khi ra trường, chiếm tỷ lệ 68%, mức thu nhập trung bình là 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Chương trình đã hỗ trợ trên 3,6 triệu HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội; đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của NHCSXH và Bộ GDĐT, trong quá trình triển khai Quyết định 157 vừa qua có một số tồn tại, vướng mắc, hạn chế sau:

 

Về đối tượng vay vốn: Tại thời điểm ban hành Quyết định 157, pháp luật chỉ quy định về tiêu chí xác định hộ nghèo. Đến nay, pháp luật đã có quy định cụ thể về tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình (Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025). Vì vậy, quy định đối tượng vay vốn tại Quyết định 157 cần được rà soát, điều chỉnh đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách pháp luật.

 

Về mức vốn cho vay và chi phí học tập của HSSV:  Theo Quyết định 157, mức cho vay tối đa do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ, căn cứ vào sự thay đổi về chính sách học phí và giá cả sinh hoạt. Từ khi thực hiện cho vay, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức cho vay 8 lần, từ 800.000 đồng/tháng/HSSV lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV (Quyết định số 1656/QĐ-TTg).

 

Mức cho vay tối đa hiện hành mới chỉ đủ trang trải mức học phí của HSSV theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì trình Chính phủ ban hành quy định mới theo hướng tăng so với quy định hiện nay. Vì vậy, mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh phù hợp mức tăng học phí và chi phí học tập của HSSV.

 

Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 157 là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

 

Tăng mức vay vốn tối đa

 

Căn cứ kiến nghị của Bộ GDĐT về nâng mức cho vay đối với HSSV hoặc các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo theo hướng đáp ứng được 60% chi phí sinh hoạt của HSSV; kiến nghị của NHCSXH nâng mức cho vay tối đa lên 4 triệu đồng/HSSV/tháng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sửa đổi Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157, cụ thể: Nâng mức cho vay tối đa từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên mức 4 triệu đồng/tháng/HSSV.

 

Lý do sửa đổi là: Theo đánh giá của Bộ GDĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/HSSV) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt). Mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).

 

NHCSXH đề xuất nâng mức cho vay tối đa từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV vì lý do như sau: Tại thời điểm ban hành Quyết định 157, mức cho vay tối đa 1 HSSV là 800.000 đồng/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của HSSV. Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng /HSSV/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của HSSV do tình hình lạm phát và dự kiến tiếp tục tăng mức học phí tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới theo đề xuất của Bộ GDĐT cộng với chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng, mức cho vay hiện hành 2,5 triệu đồng/tháng khó đảm bảo theo học của HSSV.

 

Qua đề xuất của Bộ GDĐT và NHCSXH, Bộ Tài chính thấy rằng: Mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của NHCSXH, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước. Việc nâng mức vốn vay để hỗ trợ cho HSSV trang trải chi phí học tập qua đó góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và HSSV, nâng cao trình độ dân trí là cần thiết. Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4 triệu đồng/tháng/HSSV (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của HSSV).

 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Lan Phương