Dệt may sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD?11/11/2024 - 08:58:00 Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đang phục hồi theo đà phục hồi của kinh tế thế giới. Nhiều dự đoán cho thấy, năm nay, nhiều khả năng dệt may Việt Nam sẽ “về đích” với mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.
Tín hiệu thị trường tích cực Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của dệt may Việt Nam đạt khoảng 31 tỷ USD. Số liệu tổng của tháng 9 cho thấy, KNXK ngành hàng này trong tháng 9/2024, đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16,0% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Trung tâm TTCN-TM) nhận định, trong 9 tháng năm 2024, KNXK hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy hoạt động XK ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường XK chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; Thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, XK hàng dệt may; tuy nhiên, XK sang châu Âu (EU) vẫn chậm. Đáng chú ý, trong tháng 9/2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,34 tỷ USD, giảm 0,73% so với tháng 8/2024 nhưng lại tăng tới 15,49% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 20,38 tỷ USD, tăng 14,71% so với 9 tháng năm 2023 và tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện). Theo Trung tâm TTCN-TM, đây là thời điểm trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may các loại của cả nước tăng cao nhất trong nhiều tháng qua. Trong đó, nhập khẩu các nguyên phụ liệu đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, riêng nhập khẩu bông tăng nhẹ 2,32%, điều này chứng tỏ sự khởi sắc đáng kể của đơn hàng trong thời gian tới. Trong khi đó, thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia XK dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng XK dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, … Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, hầu hết các thị trường XK chính của dệt may Việt Nam đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Ví dụ như ở Mỹ, lạm phát tháng 8/2024 ở mức 2,5% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021; doanh số bán lẻ tháng 8 cũng đã tăng 2,11% so với cùng kỳ. Kinh tế châu Âu cũng dần được kiểm soát gần với mục tiêu, lạm phát tháng 8 ở mức 2,4%, là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021; doanh số bán lẻ tăng nhẹ. Đối với thị trường Nhật Bản, GDP quý 2 năm 2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ, tăng 7% so với quý trước, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng chi tiêu hộ gia đình có xu hướng tăng nhẹ… Đơn hàng sẽ tiếp tục dồi dào Dự báo, XK hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, XK sang các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU tốc độ XK sẽ vẫn còn yếu.
Cụ thể, theo ông Hiếu, thị trường XK ngành may trong 9 tháng của năm có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác. Dự kiến, đơn hàng may mặc trong quý 4/2024 và quý 1/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Số liệu của Trung tâm TTCN-TM cũng cho thấy, mức giảm tồn kho của các hãng thời trang lớn trên thế giới khá tích cực trong quý II vừa qua. Theo đó, hãng Nike giảm tới 11%, Levi’s giảm 7%, kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của các hãng được cải thiện ở mức khá bền vững. Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 49%, Uniqlo khoảng 36%. Từ đó, cho thấy tín hiệu sẽ có nhiều khả quan hơn trong các tháng tới và các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện và kinh doanh sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước. Đại diện Trung tâm TTCN-TM cho biết, với những tín hiệu tích cực của thị trường, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024 của ngành dệt may Việt Nam có thể đạt được. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh. Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|