Dù đang ở giai đoạn cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng Tập đoàn Danh Khôi vẫn “liều mình” triển khai dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và du lịch biển Lagi New City (Bình Thuận) với hy vọng đón đầu thị trường khi đại dịch kết thúc, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm nhân viên sau một thời gian dài gián đoạn. Tương tự, để cố gắng duy trì hoạt động, lãnh đạo Công ty Nam Group mạnh dạn chiết khấu 15%, cam kết mua lại 6% đối với dòng sản phẩm shophouse tại dự án Thanh Long Bay cũng ở Bình Thuận. Theo lãnh đạo công ty này, chấp nhận giảm lợi nhuận, đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm vừa hỗ trợ khách hàng, vừa tạo việc làm cho hàng trăm nhân viên của công ty đang là cách để công ty tồn tại trong đại dịch… Hoạt động của hai DN nêu trên là điểm sáng hiếm hoi trong tình hình thị trường BĐS hiện tại ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến tình hình kinh doanh BĐS tê liệt. Khoảng 50% số DN có mức doanh thu đạt dưới 10%; 30% số DN có mức doanh thu 30% - 50%; 10% số DN có mức doanh thu 50% - 70% và chỉ 10% số DN có doanh thu ổn định. Khoảng 70% số DN lựa chọn giải pháp điều chỉnh lương, cắt giảm lương của người lao động, hoặc ngưng hoạt động. Hiện tại, chỉ có khoảng 30% số DN hoạt động ổn định, có mức độ biến động nhân sự thấp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, hàng nghìn nhân viên môi giới BĐS đã và đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Khó khăn kinh tế, dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ cuộc. Chưa kể hàng trăm sàn giao dịch môi giới BĐS đã đóng cửa, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, phân tích, giãn cách xã hội kéo dài buộc các DN phải chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% trở lên trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động bị giảm sâu. Nhiều DN đã cố gắng đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến nhưng do thói quen giao dịch truyền thống và những yêu cầu khắt khe về pháp lý dẫn tới hình thức giao dịch mới này chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, những khó khăn về pháp lý dự án vẫn tiếp tục kéo dài. Đây là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của DN kéo dài nhiều năm qua, dẫn đến việc triển khai dự án BĐS tốn kém gấp từ hai đến ba lần thời gian, nguồn lực so với kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực rất lớn, tác động lên chi phí đầu vào, làm gia tăng giá thành sản phẩm…
Đầu tư vào công nghệ để bán hàng online là giải pháp được nhiều DN đề cập. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group, tác động tiêu cực của Covid-19 khiến cho tiến độ ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng được các DN đẩy nhanh hơn bình thường, được coi là giải pháp hữu hiệu để DN tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Hiện nay, khách hàng trong lĩnh vực BĐS đã tiếp cận nhiều thông tin, biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Do vậy, muốn tồn tại, các DN kinh doanh BĐS cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Phạm Lâm nêu ý kiến: Chính phủ xem xét giảm 70% thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập DN trong ba quý cuối năm 2021, đồng thời giãn thời hạn nộp các loại thuế này sáu tháng kể từ khi hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho DN BĐS vay vốn lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định, đầu tư vào kinh doanh để sớm có doanh thu trở lại.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty BHS Group, cũng kiến nghị: Chính phủ nên thành lập quỹ vắc-xin cho các DN trong hiệp hội BĐS để các DN này tăng phòng vệ cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực này...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, các DN BĐS không đề nghị Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà hỗ trợ theo phương thức tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình thủ tục hành chính. Về chính sách tín dụng, các ngân hàng thương mại nên xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà ở…