Dù số ca mắc vẫn thấp hơn so với những điểm nóng như Ấn Độ hay Brazil, song chính phủ các nước trong khu vực đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như phong tỏa, xét nghiệm và đặc biệt là tăng tốc chiến lược tiêm chủng ngừa cho người dân.
Các quốc gia Đông Nam Á đang tăng tốc tiêm chủng ngừa Covid-19 với việc triển khai những chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, khắc phục thiếu sót trong chính sách trước đây, cũng như mở rộng nỗ lực tiêm chủng nhằm bảo vệ người dân và phục hồi nền kinh tế. Singapore hiện là quốc gia đi đầu trong khu vực về tiêm chủng, với hơn 30% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nước này cũng đã cho phép trẻ em từ 12 tuổi được tiêm chủng và đang tính tới việc nơi lỏng những hạn chế kéo dài nhằm kiểm soát sự gia tăng đột biến các ca mắc. Tuy nhiên, tại nhiều nước láng giềng, các chiến dịch tiêm chủng lại đang diễn ra chậm chạp, với hầu hết mới chỉ tiêm được chưa tới 10% dân số.
Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế lo ngại nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, Đông Nam Á có nguy cơ đi theo “vết xe đổ” của Ấn Độ và khu vực Nam Á: “Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hay Lào. Đợt bùng dịch thứ hai thật sự đang lan từ từ ra khắp châu Á, từ Nam Á sang Đông Nam Á. Số ca nhiễm tại đây đang tăng lên theo cách tương tự với những gì chúng ta đã chứng kiến ở Nam Á.”
Với số ca mắc mới hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 2, Indonesia đang tăng tốc chiến dịch tiêm phòng, với việc cho phép những người lớn tuổi tiêm phòng ở bất kỳ cơ sở được chỉ định mà không cần đăng ký trước, đồng thời yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật để sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19 của khu vực. Nước này đã đặt mục tiêu tiêm 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7.
Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á khác đang chứng kiến số ca mắc và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, đã mở các trung tâm tiêm chủng lớn để tiêm chủng cho 8.000 người mỗi ngày. Mô hình xe tải vaccine cũng được triển khai đến những khu vực mà người dân không thể đến trung tâm tiêm chủng. Gần 4% trên tổng số 32 triệu người dân Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ nước này cho biết 16 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp trong 2 tháng tới.
Thái Lan cũng đặt mục tiêu thực hiện 500.000 mũi tiêm mỗi ngày ngay trong tháng này, gấp 5 lần so với mức trung bình hàng ngày trước đó, trong khi Campuchia huy động quân đội để tiêm chủng cho người dân và thực hiện những biện pháp khuyến khích như trao thưởng cho người thứ 1 triệu hay 2 triệu tiêm chủng ngừa Covid-19.
Các chuyên gia ước tín, Đông Nam Á sẽ cần khoảng 1,4 tỷ liều để cung cấp cho toàn bộ hơn 650 triệu người dân khu vực. Đây là một thách lớn bởi nhu cầu vaccine toàn cầu hiện vượt xa nguồn cung. Một số quốc gia mới chỉ nhận được những lô vaccine đầu tiên thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, việc chậm triên khai vaccine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, tỷ lệ bao phủ vaccine thấp cộng với chính sách đóng cửa biên giới cũng có nghĩa là những quốc gia này có nguy cơ không thể mở cửa sớm nền kinh tế, do đó sẽ bỏ lỡ các cơ hội kinh tế khi phương Tây dần mở cửa trở lại./.