Đưa “con cá tỉ USD” chiếm lĩnh các thị trường mới19/11/2024 - 09:38:00
Mỗi năm mang hàng tỉ USD về nước, cá tra được xem như niềm tự hào của Việt Nam. Tuy nhiên, để thích ứng với điều kiện mới, vẫn cần có nhiều biện pháp cải thiện, nhất là quan tâm hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hành trình xanh...
Con cá tỉ USD Tính đến 15.10.2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỉ USD. Đây được xem là thành tựu lớn của nông nghiệp Việt Nam bởi không chỉ khẳng định cá tra là con cá tỉ USD, mà còn cho thấy giá trị xuất khẩu đang có dấu hiệu tích cực. Theo phân tích của Cục Thủy sản, dù sản lượng cá tra năm 2024 ước chỉ đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so năm 2023, nhưng kim ngạch lại tăng 8,9%. Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra hôm 17.11 tại TP Cao Lãnh do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NNPTNT) tổ chức đã thống nhất đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2025 cá tra đạt sản lượng 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD. Vẫn còn nhiều thách thức Dự báo của FAO, tới năm 2030, tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm trên thế giới tăng 18% so năm 2018, tương đương 28 triệu tấn. Đối với thủy sản nuôi, trong đó có cá tra sẽ là nguồn cung cấp chủ lực. Song, ngành hàng cá tra lại đối mặt với bất lợi kép. Đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, chất lượng con giống - khâu quan trọng trong chuỗi ngành hàng cá tra, đang ở mức rất kém vì tỉ lệ hao hụt con giống lên đến 90%. Hiện cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, nhưng đến nay chỉ có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Đa số người nuôi có thói quen mua con giống tại các cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nên người nuôi tiêu tốn tiền, mà trực tiếp làm suy giảm sức khỏe của cá. Chiếm lĩnh các thị trường mới Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, đây là bài toán phức hợp, cần có sự chung tay của nhiều ngành, đơn vị. Đó không chỉ là tạo sức sống mới cho mối liên kết hữu cơ giữa doanh nghiệp - người nuôi theo hướng cộng đồng trách nhiệm - quyền lợi; hay tháo gỡ thủ tục trong thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản,… mà còn có cả khâu cung cấp giống, thức ăn thủy sản và thuốc, hóa chất trong chăn nuôi; nghiên cứu thói quen ăn uống người tiêu dùng để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Một vấn đề nữa là khai phá thị trường mới để tạo sức sống mới cho ngành hàng. Đại diện Bộ Công Thương đề xuất thị trường cộng đồng người Hồi giáo. Với quy mô trên 2 tỉ người trên toàn cầu, các dự báo quốc tế cho thấy quy mô nền kinh tế của cộng đồng này sẽ tăng trưởng rất mạnh: Đạt 7.700 tỉ USD vào năm 2025 và tăng lên 10.000 tỉ USD vào năm 2028. Để vào được thị trường này, sản phẩm phải đạt chứng nhận Halal. Trong khi đó, cá tra Việt Nam được phân loại là động vật Halal theo quy định trong Thánh kinh của cộng đồng người Hồi giáo. Điều này cho thấy cá tra Việt Nam đang rất rộng đường… “Hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hành trình xanh, không chỉ giúp ngành hàng cá tra thích ứng với điều kiện mới, mà còn là giấy thông hành đưa cá tra Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường mới, trong đó có thị trường Hồi giáo” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thông điệp tích cực cho ngành hàng cá tra phát triển bền vững trong tương lai. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|