Dẫn các nguồn tin am hiểu về vấn đề này, hãng tin Bloomberg cho biết Chính phủ Đức và chính quyền khu vực ở các bang của nước này đang thảo luận về biện pháp chuyển đổi quỹ trợ cấp “xanh” thành ngân sách sản xuất vũ khí. Động thái này sẽ cho phép các nhà sản xuất chế tạo nhiều vũ khí và đạn dược hơn, cũng như tạo việc làm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quá trình chuyển đổi từ than đá.
Động thái này diễn ra khi các nước phương Tây đang tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Tháng trước, Đức đã cam kết chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 và xe bọc thép Marder cho Ukraine. Trong tuần này, Berlin cũng cho phép các công ty gửi các xe tăng Leopard 1 cũ hơn tới Kiev.
Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, tình trạng thiếu đạn dược và thiết bị đã cản trở nỗ lực hỗ trợ Kiev và đảm bảo tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Đức (Bundeswehr) .
Dẫn các nguồn tin trong ngành quốc phòng và quốc hội vào tháng 10/2022, trang Business Insider cho biết quân đội nước này chỉ có đủ đạn dược cho một hoặc hai ngày chiến tranh.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đã buộc Đức phải khởi động lại một số nhà máy đốt than dự trữ vào năm ngoái. Chính phủ cũng đã gia hạn hoạt động của các nhà máy hiện có đến cuối tháng 3/2024. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Berlin đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng trong mùa đông.
Hồi tháng 6, Bộ Kinh tế Đức cho biết bất chấp những lo ngại về nguồn cung năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đức vẫn tiếp tục cam kết loại bỏ than đá như một nguồn năng lượng vào năm 2030.