Ảnh: AP |
Hãng tin AP dẫn lời một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế. Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và phải duy trì việc đó trong tương lai”.
Theo người phát ngôn trên, Đức sẽ tập trung tăng năng lực sản xuất của các nhà sản xuất vắc-xin thay vì bỏ bản quyền sáng chế vắc-xin.
Các nhà hoạt động và tổ chức nhân đạo đã lên tiếng hoan nghênh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19. Thông báo này đã đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới phát triển có ngành sản xuất vắc-xin lớn, công khai ủng hộ ý tưởng mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gồm 164 thành viên. Nếu chỉ một quốc gia bỏ phiếu chống, đề xuất sẽ thất bại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (6/5) cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, như nhiều công ty dược phẩm, nhà lãnh đạo này cho rằng việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin không thể giải quyết vấn đề tiếp cận vắc-xin. Ông Macron nói, các nhà sản xuất ở những nơi như châu Phi không được trang bị để sản xuất vắc-xin, vì vậy, thay vào đó việc các nước giàu hiến tặng vắc-xin nên được ưu tiên.
Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca, tất cả các công ty có vắc-xin ngừa Covid-19 được cấp phép, hiện chưa có bình luận.
Trong cuộc đàm phán kín tại WTO trong những tháng gần đây, Australia, Anh, Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Na Uy, Singapore đã phản đối ý tưởng bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin, một quan chức thương mại tại Geneva, Thuỵ Sĩ cho biết.
Liên quan tới vấn đề bản quyền trí tuệ với thuốc, năm 2003, các thành viên WTO đã đồng ý từ bỏ quyền sáng chế và cho phép các nước nghèo hơn nhập khẩu các phương pháp điều trị chung cho virus AIDS, sốt rét và bệnh lao.