Ngành Thuế tiếp tục triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định. Ảnh tư liệu minh họa |
Ban hành trên 174 nghìn quyết định cưỡng chế nợ thuế
Thông tin về công tác quản lý nợ và tình hình thu hồi nợ thuế 6 tháng đầu năm 2024, đại diện Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ, chỉ tiêu xử lý nợ và chỉ tiêu giảm nợ cho từng cục thuế để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ cho từng cán bộ, công chức quản lý nợ. Đồng thời, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị, phấn đấu thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2023.
Khoanh tiền thuế nợ đối với 25.513 người nộp thuếTrong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh tiền thuế nợ đối với 25.513 người nộp thuế với số tiền 1.230,2 tỷ đồng; thực hiện ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ đối với 1.127 người nộp thuế với số tiền 52,9 tỷ đồng; thực hiện hủy xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với 198 người nộp thuế với số tiền 1.174 triệu đồng. |
Cùng đó, Tổng cục Thuế đã tổ chức các đoàn công tác tại địa phương về tình hình thực hiện công tác quản lý nợ thuế; chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế (NNT) để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ.
Đại diện Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã ban hành 31.859.142 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, đạt 100% số lượng phải ban hành. Thực hiện đăng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của 631.777 NNT chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn lên báo, đài, website của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố quyết liệt áp dụng các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế với tổng số tiền 24.251,8 tỷ đồng và đã thu hồi được 918,7 tỷ đồng của 1.482 NNT.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Thuế thu hồi được 45.468 tỷ đồng nợ thuế, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 42.756 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.712 tỷ đồng.
Áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp công tác quản lý nợ thuế trong 6 tháng cuối năm, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế tiếp tục triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định; đặc biệt tập trung áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với NNT có số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Cụ thể, đối với NNT chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, thực hiện ngay các biện pháp như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc NNT nộp tiền thuế vào NSNN, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà NNT chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Thông tin đến cơ quan báo chí về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nay không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng. Cụ thể, chỉ những cá nhân là người đại diện theo pháp luật của DN, tổ chức mà DN, tổ chức thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài còn nợ thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nên nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.
Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị..., thì trường hợp còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc NSNN thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Trường hợp NNT có bảo lãnh về tiền thuế nợ, nhưng không nộp đúng thời hạn, thì bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thay. Hết thời hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà NNT chưa nộp đủ vào NSNN, thì bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị cưỡng chế đối với số tiền trong phạm vi bảo lãnh./.